Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng với diện tích trên 5,4 triệu ha (tương đương 16,5% tổng diện tích cả nước) có đường biên giới với Lào và Campuchia dài gần 400 km, là “nóc nhà của Đông Dương” có vị trí “địa chính trị” đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, với tầm nhìn “địa chiến lược” hướng biển Đông hiện nay. Tây Nguyên còn là vùng “địa sinh thái đặc thù nhạy cảm” giàu tài nguyên, là nơi chia nước của 4 hệ thống sông đổ vào biển Đông và hạ lưu sông Mê Kông. “hệ sinh thái đầu nguồn Tây Nguyên” có chức năng điều tiết, ảnh hưởng đa chiều liên lãnh thổ tới miền Trung, biển Đông và hạ lưu sông Mê Kông, Tây Nguyên có dân số trên 5,5 triệu người, bao gồm 54 dân tộc (chưa kể người nước ngoài) trong đó có 12 dân tộc tại chỗ, đã kết thành một vùng “địa văn hóa”, “đa sắc tộc”, giàu bản sắc.
Nhằm chuyển giao cơ sở dữ liệu trên mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các viện nghiên cứu và trường đại học; chuyển giao cơ sở dữ liệu (CSDL) trên mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử tổng hợp Tây Nguyên vào hệ thống thông tin phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội cho các sở, ban, ngành các tỉnh vùng Tây Nguyên; xây dựng mô hình hệ thống mạng lưới truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp dữ liệu vào các thiết bị điện tử; cập nhật, bổ sung CSDL của chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 và nâng cấp Atals điện tử Tây Nguyên trong hệ thống quản trị và truyền thông kết quả KHCN; và đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển đội ngũ khai thác CSDL của Thư viện điện tử và Atlas điện tử tổng hợp vùng Tây Nguyên, TS. Nguyễn Đình Kỳ, Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông CSDL khoa học công nghệ”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:
Hiện nay, Thư viện điện tử là một hệ thống dữ liệu tự động hóa, được sử dụng nhằm xử lý, thu thập, lưu trữ những tài liệu dưới dạng số, không chỉ giúp người dùng tra cứu những nội dung cần thiết nhanh chóng mà còn có thể khai thác thông tin đầy đủ, chính xác. Việc xây dựng CSDL thư viện điện tử sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu thông tin khổng lồ. CSDL Thư viện điện tử thống nhất cho toàn Tây Nguyên và mỗi tỉnh là CSDL GIS tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, môi trường, kinh tế - xã hội toàn Tây Nguyên và mỗi tỉnh, được số hóa bằng các phần mềm tiên tiến dễ truy xuất, truy nhập. Đây là kết quả của đề tài TN18/C05 thuộc 02 Chương trình Tây Nguyên phục vụ cho xây dựng chiến lược phát triển KT-XH của Đảng và Chính phủ, xây dựng kế hoạch quy hoạch phát triển bền vững địa phương.
CSDL Thư viện điện tử Tây Nguyện được cập nhật từ Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận, là phiên bản tái bản có cập nhật bổ sung của Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên năm 2016. Tập Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận phiên bản in giấy khổ A2 là một công trình khoa học tổng hợp toàn diện như một bức tranh tổng thể Tây Nguyên và là một bộ chuyên khảo địa lý lớn bằng ngôn ngữ bản đồ mang nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nó đã truyền tải một phần kết quả của 2 chương trình Tây Nguyên 3 và chương trình Tây Nguyên 2016-2020, là thành quả lao động sáng tạo của tập thể các nhà khoa học tâm huyết giàu kinh nghiệm tham gia chương trình.
Mô hình hệ thống quản trị CSDL dạng Thư viện điện tử kết nối Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên đã được tích hợp vào cổng thông tin điện tử các tỉnh. Hệ thống Atlas điện tử đã được đồng nhất, kết nối dễ dàng linh hoạt vào hệ thống cổng thông tin của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đề tài đã xây dựng thành công Mô hình mạng lưới kết nối 5 tỉnh vùng Tây Nguyên với 5 đơn vị thông qua Trạm máy chủ được đặt tại tầng 8 - Viện Địa lý. Trạm chủ được kết nối dễ dàng với 5 Sở KHCN các tỉnh Tây Nguyên và Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, Viện NCKH Tây Nguyên, Viện KHXH vùng Tây Nguyên. Việc chuyển giao cơ sở dữ liệu trên mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho 03 viện nghiên cứu và 02 trường đại học nói trên. Một trong những kết quả nổi bật của đề tài là đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng và khai thác phần mềm thư viện điện tử Tây Nguyên cho cán bộ của 10 đơn vị: 05 Sở KHCN các tỉnh, 02 trường đại học, 02 viện nghiên cứu ở Tây Nguyên và Viện Địa lý.
Hệ thống mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên được xây dựng nâng cấp lên phiên bản mobile sẽ giúp việc quảng bá truyền thông và liên doanh liên kết tới người dân, doanh nghiệp được mạnh mẽ và dễ dàng hơn.
Với bộ CSDL Thư viện điện tử Tây Nguyên, người dùng có thể truy cập thông tin gần như mọi lúc mọi nơi, thông tin có thể được cập nhập liên tục và nhanh chóng. Mô hình tích hợp Atlas điện tử, Thư viện điện tử với Atlas tổng hợp Tây Nguyên và phụ cận đáp ứng các yêu cầu mới phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Kết quả của đề tài còn có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế cho Tây Nguyên. Qua đó, các nhà quản lý, nhà khoa học, giáo dục, thương mại có thể thấy được tổng quan về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời có những cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển về một số lĩnh vực kinh tế trong vùng trong tương lai gần. Từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên.
Nhóm đề tài kiến nghị, cần coi cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ là tài nguyên quan trọng được đầu tư, quản lý, quản trị hiệu quả khoa học thường xuyên phục vụ quy hoạch, hoạch định chiến lược vùng Tây Nguyên nói riêng và Quốc gia nói chung. Trước mắt các địa phương Tây Nguyên cần duy trì khai thác CSDL đã có phục vụ cho quản lý, quản trị tài nguyên, môi trường phòng tránh thiên tai, truyền thông phát triển du lịch, tư vấn thẩm định các dự án phát triển bền vững Tây Nguyên. Các CSDL thư viện điện tử Tây Nguyên của đề tài TN18/C05 cần được sử dụng hiệu quả bằng cách tuyên truyền, quảng bá, mở rộng phạm vi khai thác và ứng dụng ở các đơn vị nghiên cứu nhằm tận dụng tối đa các kết quả khoa học của đề tài. Việc đào tạo, chuyển giao CSDL trên mô hình tích hợp thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên tại các đơn vị nghiên cứu và trường đại học cần được quan tâm và đầu tư đúng mức để mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và cần có 1 hành lang pháp lý, cơ chế hoạt động thống nhất Quốc gia để duy trì hệ thống, đầu tư nhân lực được đào tạo cập nhật số liệu, chia sẻ thông tin hiệu quả, kết nối thành dòng chảy tri thức Việt số hóa phục vụ đưa Tây Nguyên vào kinh tế số, Chính phủ điện tử.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20071/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.