Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 08-09-2023

Mô hình máy học phát hiện vật thể ngoại lai trong sân bay

Các nhà khoa học thuộc Học viện Hàng không Việt Nam đã xây dựng thành công công nghệ xử lý ảnh từ camera và mô hình máy học phát hiện và cảnh báo vật thể lạ có thể gây mất an toàn trong sân bay. Hệ thống được ứng dụng nhằm hỗ trợ đảm bảo an toàn hàng không.

Nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Hàng không Việt Nam đã phác thảo mô phỏng sân bay thực tế bao gồm toàn bộ nhà ga, máy bay, đường băng, ống lồng, hệ thống chiếu sáng (mô phỏng ban ngày, ban đêm)... Bên cạnh đó, nhóm bố trí camera phát hiện vật thể ngay cả dọc đường băng.

Việc thực nghiệm hệ thống trên sân bay mô hình khác rất nhiều so với sân bay thực tế bởi khoảng cách từ vị trí camera (thỏa mãn các điều kiện về an toàn) đến vật thể (độ dài cạnh trên 3 cm) trên đường băng là rất lớn, có khi lên tới hàng trăm mét. Do vậy, hệ thống camera cần độ phân giải cao hơn để nhận diện vật thể và cần hệ thống máy tính có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh hơn. Tại Việt Nam, hiện nay các sân bay chưa sử dụng các hệ thống tự động phát hiện vật thể ngoại lai, đa phần dùng phương pháp thủ công (các sân bay huy động người kiểm soát và thu gom vật thể ngoại lai tại các khu vực đường băng, đường lăn, sân đỗ).

Mô hình máy học phát hiện vật thể ngoại lai được nhóm thử nghiệm.

Mô hình của nhóm nghiên cứu bao gồm các kịch bản khác nhau để máy tính phát hiện vật thể ngoại lai trên đường băng mô phỏng. Nguồn dữ liệu được nhóm xây dựng từ thu thập hình ảnh có sẵn ở các vị trí đường băng, đường lăn, sân đỗ ở các sân bay trong nước và trên thế giới kết hợp hình ảnh chụp của sinh viên, giảng viên trong quá trình thực tập. Khi dữ liệu đưa vào, máy tính sẽ ghi nhớ tất cả vật thể có trong tập ảnh. Ví dụ mái tôn, nắp bồn nước, chảo anten, các loại chim cảnh..., thậm chí đồ của hành khách như bút bi, tay kéo vali, kẹp tài liệu... đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi đưa vật lạ vào đường băng mô hình, camera sẽ thu nhận hình ảnh, gửi đến máy chủ để phân tích, xử lý và phát cảnh báo.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên mô hình máy học với hình ảnh trong điều kiện đủ ánh sáng, kết quả phát hiện dị vật chính xác trên 99%. Còn với những ảnh bị nhiễu, tức trong điều kiện thiếu sáng, bụi, mưa gió..., mô hình hoạt động với độ chính xác thấp hơn, trung bình khoảng 70-80%. Hiện tại, sản phẩm của nhóm nghiên cứu xây dựng phát hiện vật thể trên mặt đất. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cao, phát triển chức năng tương tự dành cho các vật thể trên không, sớm sản xuất thử nghiệm và ứng dụng tại các sân bay trong nước.

Chi tiết xin liên hệ: TS Nguyễn Thanh Dũng - Học viện Hàng không Việt Nam - địa chỉ số 104 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh; Email: dungnt@vaa.edu.vn

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 3143
Tổng lượt truy cập: 2.908.671
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.