Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 20-06-2024

Cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam

Việt Nam cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh để tránh chi phí lớn không cần thiết cũng như hoàn thành cam kết phát thải ròng bằng không vào 2050.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây dẫn đến tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon gia tăng đáng kể. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, để đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam cần phải tách biệt kinh tế với tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) cho thấy, mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất nhì về chi phí.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, phát thải của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần nhanh hơn so với trước đây.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz.

Theo Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz: “Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này".

Với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn tài nguyên quốc gia của mình. Việt Nam có thể chuyển đối xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu.

Theo ông Rasmus Munch Sørensen cố vấn dài hạn của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEEP3), để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 cần phải có thêm 56 gigawatt điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030.

Bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra các chi phí tốn kém không cân thiết do những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Việc tích hợp một lượng lớn các nguồn điện biến đổi vào lưới điện đòi hỏi các hành động kiên quyết.

Các chuyên gia bàn luận về vấn đề năng lượng tái tạo, giảm phát thải.

Trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Theo đó, các chuyên gia Đan Mạch khuyến nghị, Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 99
Hôm nay: 2393
Tổng lượt truy cập: 3.268.645
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.