Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 25-06-2024

Phương pháp mới điều trị tủy răng chưa đóng chóp

Quy trình do nhóm nghiên cứu ở Đại học Y Dược TPHCM xây dựng có thể ứng dụng rộng rãi trong điều trị các răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng.

Sau khi răng vĩnh viễn mọc, sự hình thành và hoàn thiện chân răng vẫn còn tiếp tục diễn ra. Răng mặc dù đã mọc trên cung hàm, nhưng chân răng vẫn phát triển và lỗ chóp chân răng chưa đóng kín. Cần thời gian khoảng một-bốn năm cho chân răng vĩnh viễn, có thể phát triển hoàn tất và đóng chóp. Tuy nhiên, trong quá trình đóng kín chóp, nếu xảy ra các vấn đề như chấn thương, sâu răng,... gây tổn thương đến tủy răng, thì quá trình đóng chóp sẽ dừng lại. Khi đó, răng miệng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả như răng không thể trưởng thành, thành chân răng bị mỏng, dễ gãy, không bảo tồn được tủy răng,...

Điều trị tủy răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng là một thách thức lớn cho bác sĩ lâm sàng, vì rất khó làm sạch, bịt kín hệ thống ống tủy, vật liệu trám bít dễ tràn ra vùng quanh chóp,... Ngoài ra, răng vĩnh viễn chưa đóng chóp còn có chân răng ngắn và lớp ngà ống tủy mỏng dễ nứt gãy.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị nội nha, những răng có lỗ chóp mở như kích thích đóng chóp, tái sinh mạch máu tủy răng, tạo nút chặn chóp,… Trong đó, MTA là loại vật liệu thường được dùng trong nha khoa, có tính tương hợp sinh học cao, độ hòa tan thấp, có khả năng tạo ra sự hình thành mô khoáng, kháng khuẩn và bám dính tốt, cho phép tạo ra được hàng rào chặn cuống tức thì,… Tuy nhiên, việc đặt vật liệu vào vùng chóp mở rất khó khăn, dễ bị tràn ra ngoài.

Sợi huyết giàu tiểu cầu (PRF) là vật liệu sinh học tự thân 100%. PRF đóng vai trò như một khung sinh học lý tưởng và tiềm năng vì nó rất giàu các yếu tố tăng trưởng, tăng cường sự tăng sinh và biệt hóa tế bào, đồng thời hoạt động như một khung chất nền cho sự phát triển của mô. PRF kết hợp với calcium silicate còn làm tăng chiều dài và độ dày chân răng. Do đó, PRF được đề xuất làm nút chặn, trước khi đặt vật liệu có hoạt tính sinh học trong trường hợp nội nha các răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng, giúp bảo tồn, tiếp tục phát triển các chân răng chưa trưởng thành.

n

Quá trình điều trị răng dùng PRF. Ảnh: NNC

Ở Việt Nam, cho đến nay các nghiên cứu lâm sàng về điều trị răng tổn thương quanh chóp, sử dụng kết hợp vật liệu MTA (mineral trioxide aggregate) và PRF (fibrin giàu tiểu cầu) trong phương pháp tạo nút chặn chóp còn hạn chế. Vì vậy, nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả điều trị tủy răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA”.

Nhóm thực hiện đã triển khai trên bệnh nhân, có răng vĩnh viễn một chân chưa đóng chóp có tủy hoại tử, hoặc bệnh lý vùng quanh chóp được điều trị nội nha. Cụ thể là nhóm tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở các bệnh nhân trên 12 tuổi tại Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y dược TPHCM, với tổng cộng 30 răng chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 với 15 răng, tạo nút chặn chóp dùng PRF. Nhóm 2 với 15 răng, tạo nút chặn chóp không dùng PFR.

Quy trình được nhóm nghiên cứu đưa ra gồm các lần hẹn bệnh nhân khám chữa, với các công đoạn khác nhau. Vào lần hẹn đầu tiên, tiến hành khám lâm sàng, chụp phim quanh chóp kỹ thuật chụp song song để đánh giá tình trạng của răng cần điều trị. Có thể cần điều trị ban đầu giảm sưng, đau (nếu cần) cho bệnh nhân.

Vào lần hẹn thứ hai, tiến hành gây tê tại chỗ, đặt đê cao su, mở đường vào tủy xác định chiều dài làm việc, sửa soạn ống tủy và bơm rửa bằng NaOCl 2%. Lau khô ống tủy bằng côn giấy vô trùng và băng thuốc Ca(OH)2. Trám tạm và hẹn tái khám vào lần hẹn thứ ba, nếu bệnh nhân còn triệu chứng, tiếp tục đặt lại Ca(OH)2. Nếu bệnh hết triệu chứng tiến hành thực hiện nút chặn chóp bằng PRF và MTA, bằng cách đặt ống thủy tinh chứa 10ml máu vào máy quay ly tâm, với tốc độ 1.300 rpm và trong 8 phút.

Đ

Điều trị răng không dùng PRF. Ảnh: NNC

Sau đó tách khối PRF ở giữa để ép thành màng. Cắt nhỏ màng PRF kích thước khoảng 3x4mn và đặt vào vùng quanh chóp. Lớp MTA được đặt vào trong ống tủy trên lớp màng APRF với độ dày khoảng 5 mm. Chụp phim X quang quanh chóp kiểm tra. Trám tạm bằng vật liệu GIC và hẹn sau bốn ngày, trám bít phần còn lại của ống tủy bằng côn Gutta percha nhiệt và trám phục hồi thân răng bằng composite.

Kết quả, sau chín tháng điều trị, ở nhóm 1, tất cả các răng đều có sự lành thương vùng quanh chóp, bệnh nhân khỏi hoàn toàn các triệu chứng lâm sàng sưng, đau, thực hiện tốt chức năng ăn nhai. Trong khi ở nhóm 2, các răng vẫn còn khoảng 5% kích thước vùng quanh chóp chưa lành thương.

Theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng sợi huyết giàu tiểu cầu PRF kết hợp MTA trong điều trị nội nha răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng, có khả năng ứng dụng và mở rộng trong thực hành lâm sàng vì PRF là một sản phẩm tự thân, tính tương hợp sinh học rất cao. Ngoài ra, hạn chế được nguy cơ gây dị ứng so với sử dụng các chế phẩm nhân tạo, quá trình thu nhận PRF tương đối dễ thực hiện, trong thời gian ngắn.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Quy trình có thể ứng dụng tại các phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt hoặc đưa vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 145
Hôm nay: 3700
Tổng lượt truy cập: 3.269.952
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.