Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-07-2022

Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía tại các vùng chuyên canh

Tại Việt Nam, mặc dù diện tích mía lớn, nhà máy đường nhiều nhưng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa (CGH) còn thấp và thiếu đồng đều giữa các vùng nguyên liệu và giữa các khâu trong sản xuất. Nhằm ứng dụng CGH đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất mía tại Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ nghiên cứu, triển khai ứng dụng và xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm để nhân rộng.

Vận hành thử nghiệm máy bốc xếp mía BXM-350A

Xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất mía hiện nay tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch do ThS. Nguyễn Đức Thật đứng đầu, đã thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía tại các vùng chuyên canh”.

Mục tiêu chung của Dự án là xây dựng được mô hình CGH đồng bộ các khâu trong sản xuất mía nhằm giải quyết tính thời vụ khẩn trương, giải phóng sức lao động nặng nhọc, nâng cao thu nhập cho người sản xuất mía nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau quá trình thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2019, Dự án đã cơ bản hoàn thành các nội dung và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Các kết quả cụ thể như sau:

1) Hoàn thiện được quy trình cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất mía tại các vùng chuyên canh. Chất lượng các khâu canh tác mía khi áp dụng quy trình đảm bảo yêu cầu nông học.

2) Đã tiến hành phân tích, lựa chọn các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa khâu làm đất, khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho mía. Hệ thống máy móc thiết bị được lựa chọn đồng bộ về năng suất, cỡ công suất và phù hợp với quy trình canh tác mía hàng kép quy mô tập trung. Các thiết bị làm đất, máy trông mía sử dụng nguồn động lực là máy kéo 4 bánh công suất ≥ 80Hp. Các thiết bị chăm sóc mía, phun thuốc BVTV sử dụng nguồn động lực là máy kéo 4 bánh công suất 24Hp.

3) Hoàn thiện thiết kế, chế tạo, chạy thử nghiệm và đưa vào ứng dụng trong mô hình các máy chính. Kết quả chạy thử nghiệm đạt được như sau:

* Đối với máy trồng mía hàng kép:

- Nguồn động lực liên hợp: Máy kéo 4 bánh belarus 1221, công suất 110Hp

- Số hàng trồng: 2 hàng đơn

- Độ sâu rạch hang: 250÷300 mm

- Độ sâu lấp đất: 200÷250 mm

- Khoảng cách hang: 350÷430 mm

- Khoảng cách hom: 70÷130 mm

- Năng suất: 0,25 ha/h

* Đối với liên hợp máy thu hoạch mía nguyên cây:

- Số hàng thu hoạch: 1 hàng kép

- Bề rộng làm việc (bề rộng cắt)

+ Theo đường kính đĩa dao: 0,8 m

+ Theo bề rộng mũi rẽ: 1,3 m

- Tỷ lệ gốc mía chặt đạt tiêu chuẩn: 96,1%

- Tỷ lệ gốc mía bị xơ, tước: 3,56%

- Năng suất thu hoạch: 0,21 ha/h

* Đối với máy bốc xếp mía nguyên cây BXM-350A:

- Năng suất gầu bốc: 389,9kg/lần

- Năng suất bốc xếp theo diện tích: 0,21 ha/h

- Năng suất bốc xếp tính theo ca: 82,5 tấn/ca

- Chiều cao bốc xếp tối đa: 620cm

- Bề rộng gom: 120cm

- Bề rộng gầu bốc xếp: 105cm

4) Đã xây dựng được mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác mía, hiệu quả của mô hình đạt được:

- Quy mô của mô hình: 50,2 ha, mức độ cơ giới hóa các khâu đạt: đạt 100% đối với khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc mía, phun thuốc BVTV; đạt 65% với khâu thu hoạch; đạt 71,5% với khâu bốc xếp.

- Cơ giới hóa đồng bộ các khâu góp phần giảm 16,8% tổng chi phí sản xuất cho mỗi ha mía trồng mới.

- Ứng dụng liên hợp máy thu hoạch mía giúp giảm 14,29% tổn thất trong khâu thu hoạch so với sản xuất đại trà.

5) Đã biên soạn tài liệu, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các máy, thiết bị cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất mía.

Từ những kết quả đạt được, nhóm thực hiện Dự án đã đề xuất một số kiến nghị như sau:

- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện Dự án

- Tiếp tục theo dõi quá trình vận hành trong điều kiện sản xuất của các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa các khâu canh tác mía, để từ đó đánh giá tính ổn định của thiết bị;

- Tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất mía ở các quy mô lớn hơn 100-200ha;

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các máy móc, thiết bị;

- Đề nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nội đồng, mua sắm máy móc để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất mía.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17403/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 65
Hôm nay: 3463
Tổng lượt truy cập: 3.280.546
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.