Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 15-06-2023

Nghiên cứu các quy định quản lý thiết bị IoT trên thế giới và đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý công nghiệp IoT và các thiết bị kết nối

Trong vài năm qua, thị trường Internet of Things (IoT) đã có sự phát triển bùng nổ. Theo Gartner, sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị được kết nối vào năm 2021. Một nghiên cứu khác của Statista cho thấy, tổng số các thiết bị được kết nối của các thiết bị thông minh (tivi, đồng hồ, camera IP, smarthome…) và các dịch vụ liên quan trên toàn cầu sẽ vượt mốc 75 tỷ thiết bị vào cuối năm 2025, tăng gấp 5 lần trong 10 năm. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ IoT ngoài các điểm tích cực cũng sẽ mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin.

Thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt là các thiết bị IoT đang ngày càng có nguy cơ mất an toàn thông tin do sự kiểm soát bảo mật yếu hoặc không có và các cuộc tấn công mạng đang ngày một gia tăng. Năm 2019 ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng tăng 300%. Để tăng cường tính bảo mật của các sản phẩm được kết nối, Chính phủ các quốc gia đang không ngừng nỗ lực xây dựng các quy định quản lý cho IoT.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới hiện đang trong quá trình soạn thảo hoặc đã ban hành sơ bộ một vài chính sách quản lý cho công nghệ IoT nhằm tăng cường bảo mật và thúc đẩy phát triển cho một trong những công nghệ mới đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên công nghệ số. Về cơ bản, tất cả các ngành nghề đều đang hưởng lợi từ công nghệ IoT. Hiện tại, Anh và Australia đang dẫn đầu thế giới về bảo mật IoT, cả hai quốc gia này đều đã ban hành các tiêu chuẩn tự nguyện cho các thiết bị IoT người dùng. Tháng 01/2020, hai bang California và Oregon đều đã ban hành các Luật mới (SB 327) yêu cầu các nhà sản xuất phải thêm các tính năng bảo mật hợp lý vào các thiết bị IoT. Ở cấp độ quốc gia, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ sớm bỏ phiếu về Đạo Luật Cải thiện An ninh mạng năm 2019, đạo luật này sẽ bật đèn xanh cho NIST1 (Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia của Hoa Kỳ) để xây dựng các tiêu chuẩn IoT.

Tại Việt Nam, IoT đang là một lĩnh vực nóng, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu, sản xuất. Một số ví dụ về phát triển IoT như: Mimosa Tech đã thương mại hóa giải pháp cho nông nghiệp thông minh; Hachi là giải pháp giúp xây dựng khu vườn cá nhân tự động ở nhà; BKAV và Lumi là hai doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường nhà thông minh, không chỉ sở hữu thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước khác như Australia, Singapore, Ấn Độ; Abivin là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thu thập dữ liệu của xe tham gia giao thông và dựa trên bản đồ số, tối ưu hóa cho các phương tiện vận chuyển.

Việt Nam chưa có khung pháp lý cho IoT hoặc đang nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau mặc dù công nghệ này đang có ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội Việt Nam. Trong thời gian tới, các ứng dụng IoT trong các lĩnh vực: sản xuất, giao thông, nông nghiệp, y tế… được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, trở nên phổ biến và có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống.

Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho IoT phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dùng, các biện pháp thúc đẩy phát triển công nghệ là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Do vậy, Cơ quan chủ trì Bộ thông tin và truyền thông cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Lê Đức Hiệp thực hiện Nghiên cứu các quy định quản lý thiết bị IoT trên thế giới và đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý công nghiệp IoT và các thiết bị kết nối tại Việt Nam” với mục tiêu: Tìm hiểu kinh nghiệm quản lý IoT của các quốc gia trên thế giới; Xây dựng khung pháp lý quản lý thiết bị IoT tại Việt Nam.

Bản chất IoT là lấy tất cả mọi thứ trên thế giới và kết nối chúng với nhau. Khi một thứ gì đó được kết nối, điều đó có nghĩa là nó có thể gửi, nhận thông tin, hoặc cả hai. Khả năng gửi và / hoặc nhận, xử lý thông tin này làm mọi thứ trở nên thông minh. Vậy IoT có thể hiểu đơn giản là một hệ sinh thái (sự kết hợp mạng Internet, thiết bị cảm biến, kỹ thuật phân tích dữ liệu) trong đó các ứng dụng và dịch vụ được điều khiển bởi dữ liệu, thu thập từ các thiết bị có cảm biến giao tiếp với thế giới vật lý. Trong IoT, các thiết bị và đối tượng để thu thập thông tin có kết nối với Internet hoặc qua trung gian thông qua mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN).

Những lợi ích của IoT đã thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận việc sử dụng các thiết bị tại nơi làm việc. Trong bối cảnh sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số ngày nay, các thiết bị và đối tượng ở mọi kích thước có thể tự động truyền dữ liệu qua mạng, “nói chuyện” với nhau một cách hiệu quả trong thời gian thực.

Công nghệ IoT đang trên đà phát triển nhanh chóng và thực sự trở thành một trong các công nghệ chủ đạo mang tính dẫn dắt trong kỷ nguyên công nghệ số. IoT đã được triển khai, áp dụng trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng, thay đổi lối sống, hành vi con người trong xã hội. Chính bởi tác động này mà công nghệ IoT đang thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý tại các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh những yếu tố tích cực đem lại, IoT cũng tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế nhưng hầu hết các quốc gia đều đang khuyến khích sự đổi mới IoT và cải cách khung pháp lý để tránh việc kìm hãm phát triển công nghệ cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững. Đề tài đã phần nào nêu bật được các vấn đề cần quản lý cho IoT cũng như đánh giá tiềm năng phát triển, quy mô thị trường IoT trong 05 năm tới. Dựa trên kết quả phân tích các vấn đề cần quản lý, Đề tài đã đề xuất sơ bộ khung pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề của IoT.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18433/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 133
Hôm nay: 294
Tổng lượt truy cập: 3.277.374
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.