Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-03-2024

Nghiên cứu đề xuất bộ khung tiêu chí đánh giá lựa chọn đô thị đủ điều kiện xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam

Đường sắt đô thị (ĐSĐT) đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc giải quyết các vấn đề đối với giao thông đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thực hiện các chính sách về giao thông đô thị như hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng mà nó còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt trong quy hoạch đô thị, khi đường sắt đóng vai trò xương sống sẽ tạo nên nhiều hình thái phát triển đô thị khác nhau. Với 130 năm phát triển, hiện đã có trên 200 thành phố đầu tư xây dựng đường sắt đô thị; mô hình TOD (Transit Oriented Development) quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông công cộng, cụ thể quy hoạch khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại… tập trung quanh ga ĐSĐT chính hiện đang được áp dụng thành công tại nhiều thành phố. Việc xây dựng đường sắt đô thị đã được minh chứng là xu thế và yêu cầu hết sức cần thiết đối với các đô thị lớn trong quá trình phát triển đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là hệ thống vận tải hiện đại, tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc đầu tư xây dựng và quản lý điều hành nên cần nhiều kinh phí, yêu cầu kỹ thuật cao, do đó việc quyết định đầu tư xây dựng cần được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.

Tại Việt Nam, trước những áp lực về tăng trưởng phương tiện cá nhân dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên nghiêm trọng, việc xây dựng đường sắt đô thị đã được một số tỉnh, thành phố nghiên cứu, thực hiện. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng quy hoạch với 09 tuyến tại Hà Nội và 08 tuyến tại TP. Hồ Chí Minh và thực hiện đầu tư xây dựng những tuyến đường sắt đô thị đầu tiên. Các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng cũng đã bước đầu có những nghiên cứu xây dựng đường sắt đô thị đề xuất trong quy hoạch (được xây dựng trong thời gian tới) và các tỉnh lân cận với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất kéo dài các tuyến ĐSĐT được quy hoạch kết nối với địa phương (ở miền Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương,...). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn do việc xây dựng đường sắt đô thị hết sức tốn kém, cần nguồn lực lớn. Hiện nay mới chỉ đang xây dựng 2 tuyến tại Hà Nội và 2 tuyến tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án liên tục phải điều chỉnh vốn. Việc gặp khó khăn trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch được đánh giá do nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân chính là khi xây dựng quy hoạch, các thành phố thực hiện dựa theo một số tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật (năng lực vận tải, nhu cầu giao thông trên các hành lang vận tải đô thị chính) và môi trường, tuy nhiên vẫn chưa xét đến các yếu tố tổng thể khác như quy mô đô thị, quá trình phát triển đô thị, đặc thù đi lại và các tiêu chí quy hoạch theo xu thế mới như mô hình quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Vì vậy, ThS. Phạm Anh Tuấn cùng các cộng sự tại Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất bộ khung tiêu chí đánh giá, lựa chọn đô thị đủ điều kiện xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam” nhằm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn đô thị đủ điều kiện xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam và xây dựng phương pháp đánh giá đối với bộ tiêu chí và thí điểm đánh giá đối với một số đô thị tại Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất bộ khung tiêu chí đánh giá, lựa chọn đô thị đủ điều kiện xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam” là đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng. Đề tài đã xây dựng được bộ khung tiêu chí gồm 10 tiêu chí thành phần sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý các lĩnh vực có liên quan làm cơ sở để các đô thị lựa chọn quy hoạch đường sắt đô thị, thời điểm đầu tư xây dựng, loại hình đường sắt đô thị đầu tư xây dựng.

- Đề tài sử dụng phương pháp phân tích tài liệu tại các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, tham khảo ý kiến chuyên gia,... và căn cứ các quy định, yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam. Bộ tiêu chí đảm bảo các yêu cầu về cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, tính ứng dụng thực tiễn cao.

- Các sản phẩm của đề tài bao gồm: Phương pháp xây dựng bộ tiêu chí là tài liệu tham khảo có giá trị khoa học đối với các nghiên cứu khác có liên quan; Bộ khung tiêu chí đánh giá, lựa chọn đô thị đủ điều kiện xây dựng đường sắt đô thị + Tính toán thí điểm áp dụng bộ khung tiêu chí đối với một số đô thị tại Việt Nam

Kết quả nghiên cứu cung cấp công cụ quan trọng để chính quyền các địa phương nghiên cứu, xem xét lựa chọn loại hình đường sắt đô thị trong công tác thực hiện quy hoạch giao thông vận tải trên địa bàn; lựa chọn thời điểm đầu tư xây dựng đường sắt đô thị phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống ĐSĐT, tránh việc đầu tư lãng phí, gây thiệt hại kinh tế xã hội. Hỗ trợ Bộ GTVT tham mưu với Chính phủ trong công tác thực hiện đánh giá quy hoạch về đường sắt đô thị của các địa phương theo quy định tại Khoản 4, Điều 7, Luật Đường sắt. Là tài liệu tham khảo để Bộ Xây dựng xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng liên quan đến các nội dung quy hoạch giao thông công cộng như QCXD 01:2019/BXD. Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng góp phần làm phong phú hóa cơ sở lý luận khoa học đối với nghiên cứu hệ thống giao thông công cộng nói chung, đường sắt đô nói riêng, là tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu khoa học khác.

Hiện nay, theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, các địa phương đang thực hiện quy hoạch tỉnh, trong đó quy hoạch giao thông vận tải là một trong các nội dung tích hợp cũng các quy hoạch chuyên ngành khác tại quy hoạch tỉnh. Do đó, căn cứ kết quả nghiên cứu của Đề tài, kiến nghị Bộ GTVT ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng loại hình đường sắt đô thị; kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung QCVN 01:2019/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng) các tiêu chí liên quan đến quy hoạch xây dựng mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng làm cơ sở để các đô thị lựa chọn quy hoạch phát triển loại hình vận tải công cộng. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố dựa trên bộ tiêu chí đánh giá sự cần thiết quy hoạch, thời điểm đầu tư xây dựng, loại hình đường sắt đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội từng địa phương.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19562/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 3460
Tổng lượt truy cập: 2.908.988
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.