Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-06-2024

Xây dựng thành công Danh lục 337 loài thuộc 142 chi của 63 họ thực vật trong hang động miền Bắc Việt Nam

Ở Việt Nam, hệ thống hang động chứa đựng nhiều giá trị sinh học độc đáo. Điều này được thể hiện qua những phát hiện và mô tả gần đây về một số loài động vật mới cho khoa học từ các hang động ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và hệ thống về tính đa dạng khu hệ thực vật trong hệ thống hang động ở Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng. Do đó, nhằm điều tra thu thập và xác định thành phần loài thực vật, đánh giá đặc điểm sinh học, sinh thái, hiện trạng bảo tồn và giá trị tiềm năng sử dụng của các loài thực vật hang động ở miền Bắc Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Văn Trường và các cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tính đa dạng thực vật hang động ở miền Bắc Việt Nam”.

Lần đầu tiên, PGS.TS. Đỗ Văn Trường và các cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã xây dựng thành công Danh lục 337 loài thuộc 142 chi của 63 họ thực vật trong hang động miền Bắc Việt Nam.

Qua điều tra, các nhà khoa học đã thu thập được 934 mẫu tiêu bản thực vật của 539 số hiệu mẫu vật ở 33 hang động thuộc địa bàn 08 tỉnh của miền Bắc Việt Nam (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa). Trong đó, tỷ lệ trung bình số hiệu mẫu/điểm khảo sát ở các tỉnh phía Đông Bắc và Bắc Trung Bộ (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa) có tỷ lệ trung bình số hiệu mẫu/điểm khảo sát cao hơn nhiều so với các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La). Trong đó, đã phát hiện và mô tả 3 loài mới cho khoa học.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã xác định được 337 loài thuộc 142 chi của 63 họ thực vật hang động miền Bắc. Trong đó, nhóm Dương xỉ (Pteridophytes) gồm 53 loài (chiếm 15,73%), thuộc 22 chi (chiếm 15,49%) và 14 họ (chiếm 22,22%); nhóm Hạt kín (Angiospermae) đa dạng hơn với 284 loài (chiếm 84,27%), thuộc 120 chi (chiếm 84,51%) của 49 họ (chiếm 77,78%). Các nhà khoa học đã thiết lập phổ dạng sống của hệ thực vật ở hang động miền Bắc như sau: 59,35Ph + 29,38Ch + 5,04Hm + 5,34Cr + 0,9Th và xác định 6 yếu tố địa lý thực vật chính của khu hệ thực vật hang động miền Bắc trong đó, yếu tố nhiệt đới châu Á chiếm ưu thế (chiếm 21,7%). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thành phần loài thực vật đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm rõ rệt, từ miệng hang đến phần giữa hang và tỷ lệ tái sinh thấp, giảm dần từ phần miệng hang đến vùng ánh sáng yếu, phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình và đặc điểm sinh học của loài.

Trong nghiên cứu, tình trạng nguy cấp của 25 loài thực vật hang động ở miền Bắc đã được xác định nằm trong Danh lục Đỏ của IUCN (2023), 4 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 5 loài được liệt kê trong NĐ84/2021/NĐ-CP. Từ kết quả này, các nhà khoa học bước đầu đã đánh giá tình trạng nguy cấp và hiện trạng bảo tồn cho 6 loài thực vật hang động mới được mô tả gần đây. Qua quá trình điều tra, nhóm đã xác định được 221 loài có giá trị sử dụng, trong đó có 107 loài sử dụng làm cảnh (chiếm 31,75%), 82 loài sử dụng làm thuốc (chiếm 24,33%), 40 loài là nguồn gen quý hiếm (chiếm 11,87%), 15 loài sử dụng lấy gỗ củi (chiếm 4,45%), 14 loài làm lương thực, thực phẩm (chiếm 4,15%), 4 loài sử dụng làm dây buộc (chiếm 1,19%).

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu hình thái, sinh thái cho 337 loài thực vật được ghi nhận trong các hang động với các trường dữ liệu cơ bản và xây dựng dữ liệu phân tử cho 25 loài thực vật hang động đặc hữu hay các loài mới được phát hiện và mô tả ở Việt Nam dựa trên trình tự nucleotide của vùng gen nhân (ITS) và 4 vùng gen lục lạp (trnK-matK-psbA, matK, trnL-trnF, rbcL).

PGS.TS. Đỗ Văn Trường cho biết, đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn cao, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội và khôi phục hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở Việt Nam. Trong khuôn khổ nhiệm vụ, nhóm của ông đã công bố 06 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCI-E và 02 bài báo trên tạp chí quốc gia và nhiệm vụ được Viện Hàn lâm nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc.

Với những thành công bước đầu, các nhà khoa học mong muốn tiếp tục điều tra, nghiên cứu, phân tích và định loại các mẫu đã thu thập nhưng chưa đủ căn cứ để định loại đến loài. Nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục điều tra bổ sung thành phần loài thực vật hang động ở khu vực núi đá vôi ở khu vực miền Trung Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu sàng lọc và bảo tồn các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm của khu vực núi đá vôi nói chung và khu vực hang động nói riêng  vì đây là căn cứ quan trọng để khai thác, sử dụng nguồn gen độc đáo làm cơ sở phục hồi cảnh quan hang động phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển du lịch.

Như vậy, kết quả của công trình nghiên cứu này đã cung cấp nền tảng cơ sở khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái độc đáo ở Việt Nam.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 102
Hôm nay: 1976
Tổng lượt truy cập: 3.268.229
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.