Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 22-12-2021

Hiệu quả từ mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo

Mô hình áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo sử dụng giống Đài Nông 1 với mật độ 500 cây/ha, phân chuồng được ủ với chế phẩm Trichoderma để phòng các loại bệnh hại vùng rễ cây, được bón lót với lượng 20 kg/gốc và bón thúc 4 đợt/năm. Các loại phân vô cơ được bón thúc từ 0,05 - 0,2 kg/gốc theo tình hình phát triển của cây, 10 - 15 ngày bón 1 lần kết hợp với việc tưới nước trong mùa khô để hòa tan phân. Giàn được thiết kế theo dạng phẳng dùng các cọc bê tông chắc chắn có chiều dài 2,5m, ở 4 góc chôn 4 cột xiên chắc chắn, các cọc được chôn với khoảng cách 4m x 5m, sau khi chôn cọc có độ cao 2m so với mặt đất. Dùng dây thép có đường kính từ 3 - 6 mm nối các cọc lại với nhau. Dùng thép 1mm đan ngang 3 sợi dây theo hàng cọc, khoảng cách 1m. 

Nhờ thực hiện các biện pháp tổng hợp như cắt tỉa cành lá rậm rạp trên dây giàn, cành mọc sát mặt đất tạo thông thoáng cho vườn, thu gom nguồn bệnh, thu gom các trái bị rụng, thối để tránh lây lan, phun thuốc sinh học nano bạc, sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ phân và tưới gốc... đã hạn chế được bệnh đốm nâu, đốm đầu vi khuẩn. Đặc biệt, mô hình được sử dụng 2 loại bẫy là thuốc dẫn dụ diệt ruồi vàng Vizubon và tấm dính ruồi vàng để dẫn dụ ruồi vàng, đây là một đối tượng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng mẫu mã của quả. Những quả chanh leo bị ruồi vàng chích thì chất lượng từ loại A xuống loại B, buộc phải múc dịch. 

Bên cạnh đó, từ kết quả mô hình đã giải quyết được một số vấn đề khó mà cán bộ kỹ thuật và nông dân gặp phải trong quá trình chỉ đạo, sản xuất nhân rộng cây chanh leo, đó là đã xác định được thành phần sâu bệnh hại chanh leo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thành phần sâu bệnh hại bao gồm 27 đối tượng, trong đó có 13 đối tượng bệnh hại và 14 đối tượng sâu hại. Trên cơ sở đó, đã xác định được quá trình phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại chính trên cây chanh leo, đồng thời xác định mối liên quan giữa chúng với điều kiện thời tiết, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc, giai đoạn sinh trưởng của cây chanh leo, từ đó đưa ra các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời đã đưa ra được bộ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và cách sử dụng để phòng trừ dịch hại trên cây chanh leo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không ảnh hưởng đến môi trường. 

So sánh giữa 2 vùng sinh thái có thể thấy phát triển chanh leo ở vùng Hướng Hóa cho năng suất cao hơn ở cả vườn mô hình và đối chứng so với vùng đồng bằng. Nguyên nhân quan trọng nhất là vùng trồng chanh leo ở Hướng Hóa không có những đợt khô nóng kéo dài nên cây ra hoa, đậu quả nhiều lứa, tạo ra năng suất cao. Vùng đồng bằng năng suất chỉ đạt 11,5 tấn/ha/vụ ở vườn đối chứng và 13,5 tấn/ha/vụ ở vườn mô hình. Trong lúc đó ở vùng miền núi Hướng Hóa, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ ở vườn đối chứng và 20 tấn/ ha/vụ ở vườn mô hình. 

Việc áp dụng các biện pháp tổng hợp, trong đó lấy biện pháp canh tác làm chủ đạo làm cho cây khỏe, sử dụng các chế phẩm sinh học giúp hạn chế bệnh hại, sử dụng biện pháp cơ giới, vật lý để phòng trừ dịch hại tạo ra sản phẩm an toàn, đồng thời nâng cao chất lượng, phẩm cấp. Nhờ đó vườn mô hình có tỉ lệ chanh A, B lớn, chiếm 66% trong khi vườn đối chứng chỉ đạt 45%, độ đường cao, giá bán cao, hiệu quả hơn nhiều so với vườn của nông dân. Sản phẩm quả chanh leo trong mô hình đều không phát hiện dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Xét về mặt hiệu quả đầu tư, vườn mô hình lãi từ 72 - 146 triệu đồng/ha, vườn đối chứng lãi từ 50 - 58 triệu đồng/ha. Như vậy có thể thấy trồng chanh leo có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng hiện nay trên các vùng đất có điều kiện tự nhiên tương tự như cà phê, hồ tiêu, sắn. Khi tiến hành đầu tư theo đúng kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế của cây chanh leo mang lại rất cao, hiệu quả vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng ở vùng đồng bằng 21 triệu đồng/ ha, vùng miền núi đạt đến 87 triệu đồng/ ha, trung bình 54 triệu đồng/ha.


Kết quả thực hiện mô hình áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo tại huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh ứng dụng khoa học công nghệ và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp chính trên cây chanh leo đã tạo ra sản phẩm chanh leo đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là mô hình điểm để người dân trong vùng tham quan, học tập. Đồng thời trên cơ sở đó đã xây dựng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chanh leo trên địa bàn tỉnh để áp dụng vào sản xuất, mở rộng diện tích, tiến tới tạo vùng sản xuất chanh leo an toàn, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết tại địa bàn Quảng Trị.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 38
Hôm nay: 7424
Tổng lượt truy cập: 3.273.682
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.