Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 12-07-2024

Phối hợp xử lý nạn hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử

Bộ KH&CN đang tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các nền tảng pháp lý, chính sách liên quan đến thương mại điện tử cũng như trong đấu tranh xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan trưng bày phân biệt hàng thật, hàng giả trong khuôn khổ Hội nghị Thanh tra KHCN toàn quốc năm 2024 - Ảnh: VGP

Thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thường mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm.

Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phát triển, hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Không thể phủ nhận, thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng đặt ra không ít thách thức cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một trong những vấn đề đó là giải quyết hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nhận định, nguyên nhân chính của vấn nạn hàng giả, hàng nhái nhức nhối trên môi trường thương mại điện tử là do nhiều chủ thể kinh doanh chưa có ý thức chấp hành pháp luật, chạy theo lợi nhuận bất chính và nhận thức của người tiêu dùng chưa cao khi thực hiện hoạt động mua sắm online.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý hàng nhái, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử.

"Chẳng hạn như khó xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Khi mua bán, khách hàng có thể thấy hiển thị địa chỉ của nơi bán. Nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đến địa chỉ đó thì trong hầu hết các trường hợp, nơi đó không phải là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh, hay còn gọi là địa chỉ 'ma'", Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nêu ví dụ.

Một khó khăn khác đó là xác định hành vi vi phạm. Đơn cử như trên giao diện điện tử, khách hàng nhận thấy hình ảnh chụp một chiếc túi thương hiệu Louis Vuitton và có đơn khiếu nại vì nhận được hàng giả. Nhưng khi cơ quan chức năng đến nơi kiểm tra thì bên vi phạm lại trưng hình ảnh phóng to cho thấy đó không phải là hình ảnh biểu tượng của nhãn hiệu Louis Vuitton.

Hoặc có những tình huống sau khi nhận được đơn khiếu nại, cơ quan chức năng đến kiểm tra đẻ xử lý thì đối tượng đã kịp xóa bỏ hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho xử lý vi phạm trên môi trường điện tử


Trong thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng liên quan tới thương mại điện tử, như: Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025...

Các văn bản trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động này được minh bạch, lành mạnh; tăng cường trách nhiệm các bên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Đứng từ góc độ của Bộ KH&CN có Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Thanh tra Bộ KHCN có chức năng thanh tra, xử lý các vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, Bộ đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết, trong năm 2024, Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Theo đó, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP có một số điểm mới, như bổ sung quy định về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý các hành vi vi phạm trên Internet (tạm giữ tên miền)...

Hiện nay, Thanh tra Bộ KH&CN cũng đang chủ trì tham mưu trình lãnh đạo Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 46 để hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý cho xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Cũng theo bà Nguyễn Như Quỳnh, thương mại điện tử liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ TT&TT.

Vì vậy, Bộ KH&CN đang tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các nền tảng pháp lý, chính sách liên quan đến thương mại điện tử, cũng như trong đấu tranh xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh xử lý thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng thật...

Cũng theo bà Quỳnh, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, cần thay đổi thói quen tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Người dân không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái, không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm

Cần tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả chỉ là của cơ quan chức năng. Các sàn thương mại điện tử cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp...

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1390
Tổng lượt truy cập: 3.313.715
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.