Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 16-06-2023

Ngành công nghệ thông tin - viễn thông tại Việt Nam: Sẵn sàng cho sự tăng trưởng vượt trội

Ngày 12/06/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023. Đây là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản - xây dựng, dược, công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông (VT), thực phẩm - đồ uống... Vietnam Report khẳng định, ngành CNTT-VT tại Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng vượt trội trong những năm tới.

Danh sách 1: Top 10 công ty CNTT-VT uy tín năm 2023 (nguồn: Vietnam Report).

Uy tín của các doanh nghiệp công nghệ được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, đánh giá uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023. Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023 được công bố theo 2 danh sách: Top 10 công ty CNTT-VT uy tín và Top 10 công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.

Thị trường CNTT-VT Việt Nam - cơ hội và những chiến lược ưu tiên

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021. Sau 4 năm kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” chính thức được đưa ra, CNTT-VT đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%). Năm qua cũng đánh dấu sự kiện Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới và ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất nước ta. Một dấu ấn tích cực khác của ngành trong năm 2022 là đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn, có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Danh sách 2: Top 10 công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2023 (nguồn: Vietnam Report).

Kết quả khảo sát của Vietnam Report tiến hành vào tháng 03/2023 chỉ ra rằng, CNTT-VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể. Cũng theo kết quả khảo sát Vietnam Report thì tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều không có kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành CNTT-VT, 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023. Top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành CNTT-VT đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Báo cáo của Vietnam Report khẳng định, mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, song triển vọng trung và dài hạn của ngành vẫn được đánh giá khả quan. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 6 chiến lược ưu tiên được thực hiện trong năm 2023 bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (85,7%); Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4%); Tăng cường hoạt động R&D (64,3%); Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (53,8%); Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (51,7%); và Cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT (50,0%).

An ninh mạng - nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số

An ninh mạng là một khía cạnh quan trọng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu - nơi bất kỳ cuộc tấn công mạng nào cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế, an ninh và uy tín của một quốc gia. Theo thống kê từ Kaspersky Security Network, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022 (giảm 17 bậc so với năm 2020). Số vụ tấn công ngoại tuyến tại Việt Nam năm vừa qua cũng giảm 25,4% so với năm trước đó với tổng số 121,5 triệu mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác, theo đó Việt Nam duy trì vị trí thứ 31 trên toàn thế giới về các mối đe dọa ngoại tuyến. Những kết quả tích cực trên có được là do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả khi hầu hết các hệ thống thông tin quan trọng được đưa vào giám sát và đánh giá bảo mật định kỳ.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 53,9% số doanh nghiệp công nghệ tham gia khảo sát cho biết đã triển khai toàn diện hoạt động an ninh mạng, trong đó 46,2% sẽ tăng cường phát triển thêm. Các doanh nghiệp tỏ ra rất tự tin khi đánh giá mức độ đảm bảo an toàn an ninh mạng tại tổ chức của mình tương đối mạnh, trung bình từ 4,3-4,7 trên thang điểm 5. Để bảo vệ hệ thống thông tin trước các cuộc tấn công, các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng nguồn lực nhiều nhất liên quan tới quản trị, rủi ro và tuân thủ (84,6%), nâng cao kỹ năng và tuyển dụng nhân tài an ninh mạng (69,2%), thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng (61,5%), tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/công nghệ vận hành (OT) (46,2%).

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 97
Hôm nay: 2735
Tổng lượt truy cập: 3.279.819
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.