Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 27-06-2024

Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng quy định nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển

Hiện nay, công tác đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển chưa có nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí thống nhất.

 

Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu của thế giới và Việt Nam, ThS. Nguyễn Thạch Đăng và nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng quy định nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển (Áp dụng thử nghiệm cho một vùng trọng điểm)” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu đưa ra cơ sở khoa học xây dựng quy định nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển; và xây dựng quy định về nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển.

Trên cơ sở nghiên cứu các công trình đánh giá tổn thương môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng và các mô hình tổn thương khác nhau (theo hệ sinh thái, ngành nghề, các loài độc lập) do các dạng tai biến khác nhau (biến đổi khí hậu, khí tượng, địa chất, nhân sinh), đề tài đã đưa ra nội dung, các tiêu chí, chỉ số, quy trình và các phương pháp/công cụ xác định thang điểm và đánh giá tổn thương tài nguyên - môi trường biển; áp dụng thử nghiệm cho vùng vịnh Tiên Yên, cụ thể:

- Xác định 07 nội dung chính. Đưa ra cơ sở xây dựng quy trình và quy trình 12 bước. Xác lập 03 nhóm tiêu chí (nhóm tiêu chí về độ phơi lộ - E, nhóm tiêu chí khả năng thích ứng nói chung - AC), độ nhạy cảm (S). Tuy nhiên có tích hợp với cách tiếp cận các yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Vì thế, trong quá trình phân tích có đề cập thêm đến khả năng thích ứng của chính hệ thống (sAC - khả năng thích ứng nội tại của hệ thống). Điều này làm tăng độ tin cậy khi lựa chọn các chỉ số đặc trưng.

- Sau khi phân tích tổng hợp và phân tích 71 chỉ số của thế giới, đề tài đề xuất áp dụng 54 chỉ số tổn thương cho phân vùng tổn thương tài nguyên - môi trường biển Việt Nam. Trong đó, 44 chỉ số có sẵn thang điểm chuẩn hóa của chuyên gia (SOPAC). Ở đây, nếu sử dụng cho một vùng nhỏ bất kỳ, tuân theo chiều thuận: coi 54 chỉ số tổn thương đề xuất là cơ sở (chỉ số chung), từ đó lựa chọn các chỉ số đặc trưng với hệ thống tài nguyên - môi trường biển khu vực cần đánh giá, loại bớt các chỉ số không liên quan, ít đặc trưng hoặc khó khăn về mặt dữ liệu. Đồng thời, không nên theo chiều nghịch: xem xét một vài chỉ số đặc trưng của một vùng hẹp, ví dụ vịnh Tiên Yên để kiểm chứng toàn bộ 54 chỉ số nói trên mà chỉ để thực hành, có thể kiểm nghiệm trong ứng dụng quy hoạch vùng ở các giai đoạn tiếp theo.

- Thang điểm và trọng số được xác định theo hai loại: Thang điểm và trọng số định sẵn của chuyên gia (SOPAC); thang điểm và trong số theo phương pháp chuẩn hóa của UNDP kết hợp phương pháp Delphi.

- Xây dựng được cơ sở khoa học phân cấp mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển bằng phương pháp phân khoảng, đơn giản để áp dụng cho các loại tính điểm số khác nhau (Mức điểm từ 1-5, 1-7 v.v).

- Sử dụng thang điểm của SOPAC áp dụng thử nghiệm cho vùng vịnh Tiên Yên và xác định được mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển khu vực này ở mức trung bình. Trong đó, những ảnh hưởng của hoạt động nhân sinh (chỉ số nhân sinh) là mạnh nhất như sức ép dân số, canh tác thủy hải sản.

- Đề xuất được 3 giải pháp chung để giảm thiểu mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường biển khu vực vịnh Tiên Yên: giải pháp giáo dục, tuyên truyền; giải pháp kỹ thuật; giải pháp quản lý hành chính. Các giải pháp này bám sát tính định lượng của từng chỉ số và bộ chỉ số.

Các cơ quan quản lý cấp tổng cục, cấp bộ và TW bước đầu nên lựa chọn bộ chỉ số (có liên hệ với các tiêu chí đã được công bố, thu thập trong báo cáo này) để thu thập dữ liệu (chỉ số là cơ sở định lượng thứ cần điều tra và tích hợp), giao cho các nhà nghiên cứu/chuyên gia triển khai và đánh giá mức độ tổn thương theo các phương pháp tính điểm, trọng số, phân cấp tổn thương nêu trên. Tiếp theo, lồng ghép việc xây dựng quy hoạch của các tỉnh để phát triển, kiểm chứng, điều chỉnh và bổ sung.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19934/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 56
Hôm nay: 5529
Tổng lượt truy cập: 3.271.783
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.