Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 02-07-2024

Phát hiện mới về loài Rêu tản và Rêu sừng

Rêu được chia thành 3 loại: Rêu thật, Rêu tản và Rêu sừng, là nhóm thực vật ít được nghiên cứu trong các ngành thực vật bậc cao. Cho đến nay, nghiên cứu về Rêu tản và Rêu sừng ở khu vực bán đảo Đông Dương còn rất hạn chế. Theo một công bố của Pócs (2012), trước năm 2012 mới chỉ có 46 loài Rêu tản được ghi nhận ở Lào. Năm 2012, tác giả đã bổ sung 12 loài Rêu tản phụ sinh trên lá vào danh lục, nâng tổng số loài Rêu tản được ghi nhận ở Lào lên 58 loài. Trên thực tế, con số này vẫn còn khiêm tốn đối với Lào, nơi có những vùng núi trải dài tiếp giáp với Việt Nam.

 

Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới, với điều kiện tự nhiên phong phú thuận lợi để rêu phát triển. Tuy nhiên, theo kết quả tổng hợp đến năm 2020, chỉ có 625 loài Rêu tản và Rêu sừng được ghi nhận trên toàn lãnh thổ. Trong khi đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, loài Rêu tản và Rêu sừng chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, nhưng chưa có những nghiên cứu cần thiết theo hướng này tại Việt Nam. Vì thế, các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu về thành phần loài Rêu tản và Rêu sừng vùng núi phía Bắc Việt Nam và đưa ra nhiều phát hiện mới mới. Cũng trong nghiên cứu này, hai bộ sưu tập gồm 738 mẫu Rêu tản, Rêu sừng và các dữ liệu về chúng đã được xây dựng, là cơ sở khoa học quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công 02 bộ mẫu Rêu tản và Rêu sừng. Trong đó, một bộ gồm 350 mẫu của 146 loài thu thập tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Bộ mẫu thứ hai gồm 388 mẫu của 170 loài thu thập tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Cạn và Lai Châu. CSDL cung cấp thông tin về vị trí địa lý, độ cao, địa điểm và môi trường sống của 738 mẫu rêu được xây dựng. 

Đặc biệt, các tác giả đã phân tích, xác định thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài Rêu tản Porella perrottetiana (Mont.) Trevis. Kết quả phân tích hóa học đã xác định được 02 chất mới là chất perrottetianal E và chất (+)-oplopanone C. Kết quả thử hoạt tính sinh học cho thấy, dịch chiết tổng và cả 3 cặn chiết đều có hoạt tính đối với cả 4 dòng tế bào ung thư. Trong đó, đáng chú ý là cặn chiết tổng và cặn chiết EtOAc có hoạt tính trên dòng tế bào ung thư gan (Hep-G2) tương ứng với IC50 = 3.51 ± 0.21 μg/mL và IC50 = 4.23±0.86 μg/mL. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh cho rằng: khu hệ Rêu tản và Rêu sừng Việt Nam đa dạng, còn nhiều tiềm năng khám phá loài mới cũng như hoạt chất sinh học của chúng, do đó, cần tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu triển vọng này trong tương lai.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 122
Hôm nay: 3235
Tổng lượt truy cập: 3.269.487
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.