Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-07-2022

Chiến lược biển của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Tại Việt Nam, biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nằm ở khu vực biển Đông, Việt Nam đang được hưởng những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên biển rất quan trọng bởi biển Đông là tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Ngoài Việt Nam, các quốc gia ven biển Đông còn có Trung Quốc, Philipin, Inđônêxia, Brunei, Malaixia, Singapo, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông có trữ lượng dầu khí rất lớn, đặc biệt là các mỏ Bạch hổ, Đại Hùng, Hồng ngọc, Rạng Đông, Cái Nước, Lan Tây…

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển, Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã ra đời vào năm 2018, với mục tiêu tổng quát là đưa Việt nam trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030, đạt cơ bản tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành văn hoá sinh thái biển... Với bối cảnh trong nước và quốc tế mới, phát triển chiến lược kinh tế biển tổng thể, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Bùi Nhật Quang tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đề tài: “Chiến lược biển của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam” từ năm 2018 đến năm 2019.

Các nước ven biển trong khu vực châu Á đều đang thực hiện các chiến lược, chính sách biển quốc gia của mình để tận dụng các cơ hội của đại dương mang lại, hạn chế những thách thức và mong muốn đạt được sức mạnh quốc gia trên biển. Dựa vào tiềm năng, lợi thế của riêng mình, mỗi quốc gia có những phương cách tiếp cận biển theo hướng riêng, nhưng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, ngoại giao trên biển, phát triển khoa học công nghệ biển. Trong số 3 quốc gia được nghiên cứu trong đề tài, có hai quốc gia đang có tham vọng trở thành cường quốc biển, đó là Nhật Bản và Ấn Độ. Tham vọng của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế biển, trong khi Ấn Độ tập trung vào phát triển sức mạnh của lực lượng hải quân trên biển. Hai quốc gia này đều đang có những mục đích vươn ra biển, làm chủ biển cả và đại dương, kết hợp với Mỹ để thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở để kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên biển cả.

Bài học từ nghiên cứu chiến lược biển, chính sách biển của một số quốc gia châu Á có nhiều, thực sự hữu ích đối với Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ biển, có Chiến lược phát triển biển dài hơi (10 năm) và đã sửa đổi Chiến lược đó trong thời gian gần đây (2018). Nắm bắt các cơ hội, lường trước những khó khăn và thách thức, học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam đang có chiến lược, sách lược và chính sách phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh vùng biển tương đối uyển chuyển, chắc chắn và hiệu quả. Bài học thành công từ phát triển kinh tế biển của Nhật Bản, từ phát triển lực lượng hải quân của Ấn Độ, hoặc bài học từ ứng xử với các nước lớn trên biển Đông của Philippiness trong thực hiện chính sách biển quốc gia thực sự là hữu ích cho Việt Nam. Để trở thành quốc gia biển, trước hết, Việt Nam cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, với tinh thần và ý chí sáng tạo nhanh nhạy của toàn dân tộc, với quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao sức mạnh quốc gia biển, quyền lực biển trong thế giới đại dương thế kỷ XXI.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17318/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 56
Hôm nay: 3996
Tổng lượt truy cập: 3.281.079
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.