Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 14-07-2023

Ứng dụng công nghệ protein array để sản xuất và thử nghiệm bộ kit phát hiện nhanh dấu ấn sinh học P16 và Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư ở phụ nữ. Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer-IARC) năm 2012 trên thế giới có 266.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung, trong đó 9/10 số tử vong ở các nước kém phát triển. Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. HPV là virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới với khoảng 80% phụ nữ bị mắc nhiễm ở tuổi 50. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV dai dẳng đều dẫn đến nguy cơ ung thư cổ tử cung hoặc mụn cóc sinh dục.

Theo thống kê năm 2015 do ICO Information Centre on HPV and Cancer thực hiện tại các bệnh viện tại Việt Nam, mỗi năm có thêm 5146 bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải ung thư cổ tử cung và 2423 trường hợp tử vong do căn bệnh này. ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 trong số các bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44 tuổi. Do đó, phương pháp sàng lọc HPV bằng sinh học phân tử và chẩn đoán sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung mang triển vọng cao khi có thể cho hiệu quả tốt hơn phương pháp tế bào học truyền thống, bằng cách xét nghiệm ngay trong giai đoạn đầu nhiễm virus ở những nơi có nguy cơ phát triển thành tổn thương lớn hơn. Hiện nay, đã có nhiều dấu ấn miễn dịch được tìm ra để bổ sung cho xét nghiệm tế bào học nhằm phát hiện sớm, chính xác các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, trong số đó dấu ấn miễn dịch p16/Ki-67 được đánh giá là dấu ấn đặc hiệu nhất và có giá trị nhất. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự bộc lộ quá mức của p16INK4a (p16), thể hiện sự biến đổi ở tế bào kí chủ 10 do nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư, trong khi đó sự hiện diện của Ki67 trong cùng một tế bào là dấu hiệu xác nhận sự mất điều hòa chu kỳ tế bào, tế bào bình thường sẽ không đồng thời có sự biểu hiện của cả p16 và Ki67. Như vậy, xét nghiệm xác định mức độ biểu hiện p16/Ki-67 có khả năng phát hiện những bệnh nhân bị bỏ sót bởi xét nghiệm tế bào học và giảm đáng kể các trường hợp phải soi cổ tử cung không cần thiết. Phát hiện này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong quản lý bệnh nhân với những trường hợp có chẩn đoán tế bào biểu mô không điển hình (ASC/AGC) hoặc tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp (LSIL). Tại Việt Nam, hiện có nhiều phương pháp phát hiện sớm ung thư CTC, trong đó đáng kể nhất là xét nghiệm tế bào học CTC và định tuýp HPV, song chưa có nghiên cứu nào về phát hiện dấu ấn sinh học p16/Ki-67 trong đánh giá các tổn thương tế bào biểu mô không điển hình và tổn thương nội biểu mô CTC để sàng lọc trước các nguy cơ tổn thương tiền ung thư CTC.

Xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn như trên cùng với mục tiêu tạo ra bộ kit có khả năng ứng dụng phát hiện nhanh dấu ấn sinh học p16/Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung, nhóm thực hiện đề tài, Công ty TNHH MTV Nhà máy Công nghệ sinh học và Thiết bị Y tế, do TS. Phạm Thu Hằng làm chủ nhiệm đã đề xuất và thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ protein array để sản xuất và thử nghiệm bộ kit phát hiện nhanh dấu ấn sinh học p16 và Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung” với mục tiêu: xác định ngưỡng giá trị protein p16 và Ki-67 trong kỹ thuật protein array để sàng lọc ung thư cổ tử cung; xây dựng quy trình công nghệ array để sản xuất kit chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng công nghệ protein array; xác định độ nhạy và độ đặc hiệu và một số đặc tính khác của bộ kit protein array.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả sau:

1. Hoàn thiện việc mua sắm và lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất Protein microarray và đã làm chủ công nghệ protein microaray tại nhà máy BIMEDTECH.

2. Nghiên cứu và phát triển thành công bộ kit Protein Biochip nhằm chẩn đoán sàng lọc ung thư cổ tử cung với tên thương mại “BIARTTM Cervical Cancer Detection Kit” với độ nhạy 87.75% và độ đặc hiệu chẩn đoán đạt 95.58%.

3. Nghiên cứu và xây dựng thành công Quy trình công nghệ chế tạo bộ kit phát hiện p16 và Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng công nghệ protein-array.

4. Nghiên cứu và xây dựng thành công Quy trình xử lý bệnh phẩm và phân tích trên protein array trong sàng lọc bệnh nhân ung thư cổ tử cung.

Nhóm đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu phát triển và tiếp tục hoàn thiện bộ sản phẩm biochip theo nhu cầu của thị trường và phát triển các chip khác theo nhu cầu của xã hội.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 659
Tổng lượt truy cập: 3.277.741
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.