Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-05-2024

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến các giải pháp của ngành giao thông vận tải đảm bảo mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Trên góc độ thực tiễn: Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu tổng quát: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Song song với mục tiêu như trên, Nghị quyết cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện liên quan đến: Cơ chế chính sách, chiến lược quy hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh, ngoại giao, huy động nguồn lực...

Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số: 2094/QĐ-BGTVT ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 05 năm của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của hội nghị lần thứ tám ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề ra mục tiêu và giải pháp của ngành nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW.

Trên góc độ lý luận: Các nghiên cứu khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế biển trên thế giới và Việt Nam được thực hiện khá nhiều. Tuy nhiên có thể thấy hầu hết các nghiên cứu đã thực hiện thường tập trung vào hoạt động kinh tế biển ở khía cạnh hay khu vực cụ thể, như Giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Lê Anh Tuấn, 2009); Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Nguyễn Đình Bình, 2018); Phát triển bền vững kinh tế biển các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ- Thực trạng và giải pháp (Học viện chính trị khu vực 3, 2020)…

Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Lê Đình Hùng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải thực hiện đề tài Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến các giải pháp của ngành giao thông vận tải đảm bảo mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam với mục tiêu làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của từng giải pháp của ngành Giao thông vận tải (có luận giải khoa học, chính xác, chặt chẽ, tin cậy), đảm bảo thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Hệ thống cảng biển Việt Nam là một bộ phận của kết cấu hạ tầng Giao thông vận tải, không chỉ nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về bốc xếp, bảo quản, tiếp chuyển hàng hóa, hành khách đi/đến cảng phát sinh từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước; mà còn có vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới giữa các vùng, miền địa phương ven biển và của cả nước; là cơ sở để vươn ra biển xa phát triển kinh tế hàng hải và dịch vụ hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các ngành kinh tế biển, đồng thời góp phần đắc lực vào việc củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia về duyên hải và lãnh hải.

Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ, Cần Thơ, Long An, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đã tiếp nhận thành công tàu container 214.000 DWT) và bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng (đã tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 DWT). Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến các giải pháp của ngành giao thông vận tải bảo đảm thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đề tài đã đạt được các kết quả chủ yếu như sau:

- Tổng quan về phát triển kinh tế biển và các giải pháp của ngành GTVT đối với phát triển kinh tế biển: Đề tài đã giới thiệu và đi sâu phân tích về quá trình triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế biển qua các giai đoạn 1997 - 2007; 2007 - 2017. Từ đó nêu lên những thành quả đã đạt được của phát triển kinh tế biển đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong từng thời kỳ, đồng thời đề tài cũng đã nêu lên những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế biển.

- Đề tài đã phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống GTVT liên quan đến kinh tế biển, đưa ra những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế của phát triển hệ thống GTVT liên quan phát triển kinh tế biển trong giai đoạn vừa qua.

- Trên cơ sở đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển qua các thời kỳ, và đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông vận tải liên quan đến phát triển kinh tế biển. Đề tài đã chỉ ra nút thắt ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của từng nhóm giải pháp ngành GTVT, từ đó xác định các yếu tố ảnh hưởng đến các nhóm giải pháp gồm:

+ Nhóm giải pháp phát triển đội tàu vận tải;

+ Nhóm giải pháp giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý ngành GTVT liên quan đến kinh tế biển;

+ Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải biển;

+ Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ logistics;

+ Nhóm giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông;

+ Nhóm giải pháp huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng;

+ Nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hàng hải;

+ Nhóm giải pháp hợp tác quốc tế;

+ Nhóm giải pháp khoa học công nghệ;

+ Nhóm giải pháp môi trường và biến đổi khí hậu.

Mỗi nhóm giải pháp đều có tầm quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của ngành GTVT trong thực hiện nghị quyết 36/NQ-TW. Tuy nhiên có thể thấy rằng nhóm giải pháp phát triển dịch vụ logistics là hết sức quan trọng do chi phí dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp. Đề tài đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giải pháp phát triển dịch vụ logistics, gồm 4 yếu tố sau: Yếu tố hạ tầng logistics còn yếu và thiếu tính liên kết; Cơ chế chính sách trong lĩnh vực dịch vụ logistics chồng chéo, chưa đồng bộ; Năng lực của doanh nghiệp logistics và Nhân lực ngành logistics còn hạn chế về năng lực, trình độ. Việc giải quyết được 4 yếu tố trên sẽ đảm bảo loại bỏ được nút thắt của ngành dịch vụ logistics, từ đó thúc đẩy phát triển ngành logistics nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung, giúp giảm chi phí vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế, tăng sức mạnh của kinh tế nước ta nói chung, kinh tế biển nói riêng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với điều kiện thực tế là cơ sở để cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra của “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19734/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 106
Hôm nay: 3338
Tổng lượt truy cập: 3.269.590
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.