Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 13-05-2024

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhận chìm ở biển

Theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, “nhận chìm ở biển” được định nghĩa là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển.

Theo Báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế, năm 2013, một số nước ở châu Âu có khối lượng nhận chìm vật liệu nạo vét lớn như Bỉ (khoảng 20-50 triệu tấn/năm), Pháp, Hà Lan (khoảng 20 triệu tấn/năm). Ở châu Á, Trung Quốc là một trong những nước rất tích cực nhận chìm vật chất xuống biển. Năm 2013, Trung Quốc đã cho phép nhận chìm khoảng 126,3 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển Hoa Đông; 38,4 triệu tấn xuống biển Đông và khoảng 44,3 triệu tấn xuống các vùng biển khác. Đối với châu Đại Dương, Ôxtrâylia cũng là nước nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng hơn 14 triệu tấn (năm 2013). Tại châu Mỹ, Mỹ cũng là nước nhận chìm vật, chất xuống biển với khối lượng khoảng 27 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển; Canada có khoảng 3-4 triệu tấn vật liệu được nhận chìm ở biển; Braxin khoảng 19,7 triệu tấn vật liệu nạo vét xuống biển. Ngoài vật liệu nạo vét, một số nước vẫn cho phép nhận chìm chất trơ và chất thải từ chế biến thủy sản xuống biển. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu và thực trạng nhận chìm vật, chất xuống biển tại các quốc gia trên thế giới là rất lớn, do vậy, cần có giải pháp quản lý phù hợp để đảm bảo việc nhận chìm không gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường biển nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Cho đến nay, ở Việt Nam, việc nhận chìm ở biển chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, việc nhận chìm ở biển hiện nay đều được tham khảo từ kinh nghiệm nước ngoài và các dự án trong nước đã thực hiện, do đó, chưa có sự thống nhất về nội dung, tiêu chí, yêu cầu và trình tự các bước nhận chìm ở biển. Điều này dẫn việc quản lý hoạt động nhận chìm ở biển bị lúng túng và bất cập. Từ thực tế trên, PGS. TS. Nguyễn Bá Quỳ và nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhận chìm ở biển” từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu, đánh giá được thực trạng hoạt động nhận chìm ở biển; cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhận chìm ở biển; và dự thảo hướng dẫn kỹ thuật xây dựng báo cáo dự án nhận chìm.

Đề tài đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố quyết định của vật chất nhận chìm ở biển, đánh giá mức độ gây ô nhiễm của chất nạo vét, trên cơ sở áp dụng cách tiếp cận mới trong đánh giá chất nạo vét phục vụ ra quyết định giải pháp xử lý vật liệu nạo vét bằng nhận chìm ở biển và các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường ở Việt Nam. Qua đó, các tác giả đã đề xuất các thông số ô nhiễm chính của chất nạo vét ngưỡng và hàm lượng giới hạn tương ứng với mỗi thông số làm cơ sở đề đánh giá chất nạo vét.

Để đưa ra quy định kỹ thuật về phân tích, đánh giá chất nạo vét đề nghị nhận chìm ở biển, đề tài đã nghiên cứu các hướng dẫn về Khung đánh giá chất nạo vét của chất thải theo Công ước và Nghị định thư Luân Đôn, các hướng dẫn đánh giá chất nạo vét của Ailen và Úc. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất trình tự nội dung đánh giá chất nạo vét gồm các bước: (1) Thu thập, điều tra bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến việc đánh giá chất nạo vét; (2) Lấy mẫu và phân tích, thử nghiệm mẫu chất nạo vét (Xác định các thông số phục vụ đánh giá chất nạo vét; Kế hoạch, quá trình thực hiện, kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu; Kết quả thử nghiệm về khả năng lắng đọng, tạo cặn chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét và thử nghiệm tính khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm; Kết quả thử nghiệm độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; Kết quả thử nghiệm tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét). (3) Tổng hợp nội dung đánh giá chất nạo vét.

Đề tài đã tiến hành áp dụng thử nghiệm hướng dẫn kỹ thuật nhận chìm ở biển tại khu vực biển Lạch Huyện, Hải Phòng. Trên cơ sở khảo sát thực địa để thu thập, tổng hợp tài liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái; thông tin, dữ liệu về các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra đối với vùng bờ, các công trình bảo vệ bờ biển, hiện trạng nhận chìm tại khu vực nghiên cứu; sử dụng bộ mô hình MIKE2 để tính toán thủy lực và MIKE3 để tính toán lan chuyền, mô phỏng sự biến thiên địa hình đáy biển do sự khuyếch tán, lắng đọng của vật liệu nạo vét trong khi nhận chìm phục vụ đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm chất nạo vét, các tác giả đã tiến hành đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực biển phù hợp để nhận chìm tại khu vực biển Lạnh Huyện, Hải Phòng. Kết quả tính toán cũng cho thấy vị trí khu vực biển để nhận chìm phù hợp với vị trí mà theo tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn cho dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Đối với khu vực nghiên cứu, các tác giả nhận thấy các khu vực nhận chìm theo đề xuất của các đơn vị chức năng có sức chứa còn hạn chế và không đáp ứng nhu cầu nạo vét luồng lạch vào cảng khi phát triển mở rộng và duy tu luồng cảng Hải Phòng. Do vậy, việc đề xuất thêm các khu vực nhận chìm vật liệu nạo vét luồng cảng ở vùng biển Hải Phòng đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật là giải pháp cần thiết và cấp bách để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động cảng và hàng hải ở Hải Phòng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19662/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 104
Hôm nay: 2906
Tổng lượt truy cập: 3.269.158
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.