Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-07-2024

Nghiên cứu đa dạng sinh học của Sứa (Scyphora), Sứa lược (Ctenophora) và đánh giá vai trò của chúng ở vùng biển ven bờ Việt Nam

Sứa thuộc nhóm động vật không xương sống, ngành xoang tràng (Coelanterata), có kích thước từ dưới 1mm tới gần 2 m, là mắt xích quan trọng trong chuỗi và lưới thức ăn trong môi trường biển, chúng thường sống ở biển và các vùng nước ven bờ, và nhạy cảm với sự biến động của môi trường. Sứa góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học biển. Chính vì vậy, trên thế giới cũng đã có khá nhiều nghiên cứu về sứa, nhất là ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Australia, Mỹ... Nhưng ở Việt Nam, dù nguồn lợi ứa biển rất dồi dào với trữ lượng lên tới hàng triệu tấn, giá trị xuất khẩu sứa thô hàng năm lên tới hàng triệu USD/tỉnh, nhưng các nghiên cứu liên quan tới sứa biển ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Vì thế, TS. Chu Văn Thuộc và nhóm nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đa dạng sinh học của Sứa (Scyphora), Sứa lược (Ctenophora) và đánh giá vai trò của chúng ở vùng biển ven bờ Việt Nam” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.

Mục tiêu của đề tài là nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hình thái, phân bố, mã vạch di truyền của Sứa dù (Scyphozoa), Sứa lược (Ctenophora) ở vùng biển ven bờ Việt Nam; hiệu chỉnh được vị trí phân loại học của các loài Sứa dù (Scyphozoa), Sứa lược (Ctenophora) ở vùng biển ven bờ Việt Nam; và đánh giá vai trò của Sứa dù (Scyphozoa) và Sứa lược (Ctenophora) ở vùng biển ven bờ Việt Nam.

Dưới đây là các kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

Các thông số thủy lý, thủy hóa và các chất dinh dưỡng nitrit, phốt phát, amoni trong môi trường nước biển 4 khu vực nghiên cứu: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang và Phú Quốc được xác định đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển ven bờ.

- Về thực vật phù du, khu vực biển Hải Phòng đã ghi nhận được 236 loài và dưới loài thuộc 78 chi và 6 lớp tảo; khu vực Thanh Hóa ghi nhận được 221 loài và dưới loài, 76 chi thuộc lớp tảo; khu vực Phú Quốc ghi nhận được 278 loài/dưới loài, 104 chi thuộc 6 lớp tảo và khu vực Nha Trang đã ghi nhận 428 taxa.

- Về động vật phù du, ở khu vực Hải Phòng, Thanh Hóa và Phú Quốc đã ghi nhận được 71 loài thuộc 47 giống, 31 họ, 9 bộ, 7 ngành và 21 nhóm phân loại khác, hầu hết là ấu trùng các loài động vật không xương sống và nguồn giống các loại thủy sản như tôm, cua, cá, thân mềm. Khu vực Nha Trang đã ghi nhận 184 loài thuộc 15 nhóm động vật phù du.

- Sứa biển, tổng số có 64 loài Sứa thuộc 36 giống, 26 họ và 9 bộ đã được ghi nhận, trong đó có 21 loài và loài sp. thuộc 19 giống, 15 họ và 7 bộ là ghi nhận mới cho thành phần loài Sứa biển Việt Nam, đặc biệt có loài Blackfordia sp. là tiềm năng loài mới cho khoa học.

+ Vị trí phát sinh của các lớp Sứa, ngành Sứa cũng như vị trí phân loại học của các bộ, họ và loài Sứa nghiên cứu đã được xác định.

+ Một số vai trò như điều tiết, hỗ trợ cho chu trình dinh dưỡng, là nguồn thức ăn, là sinh vật săn mồi, cung cấp không gian sống và nơi trú ẩn cho các loài sinh vật khác của Sứa trong hệ sinh thái đã được xác định làm rõ, và ghi nhận một loài copepod mới cho khoa học (Paramacrochiron tridentatum) sống ký sinh trên Sứa Versuriga anadyomene.

Từ các tư liệu đã có và các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ, các đề xuất quản lý, khai thác bền vững Sứa biển Việt Nam đã được đưa ra.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19941/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 102
Hôm nay: 1401
Tổng lượt truy cập: 3.267.654
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.