Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 30-11-2021

Xây dựng vùng trọng điểm lúa chất lượng cao

               Là một trong những vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, huyện Cam Lộ xác định việc mở rộng diện tích, đầu tư, thâm canh tăng năng suất cây trồng, nhất là đối với cây lúa là nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương. Sau hơn 30 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, đến nay vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao của huyện đã đạt trên 3.100 ha và được cơ cấu bằng các loại giống chủ lực như HN6, Đài thơm 8, Bắc thơm 7, Thiên ưu 8, HT1, LDA1, Khang dân. Năng suất bình quân từ 20 tạ/ha năm 1992 thì đến nay đã tăng gấp 3 lần, đạt từ 55-60 tạ/ ha. Tập trung chủ yếu ở các xã Thanh An, Cam Hiếu, Cam Thủy. Đặc biệt, nhiều diện tích đang chuyển đổi dần từ hình thức canh tác lúa vô cơ sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Description: http://baoquangtri.vn/Portals/0/userfiles/6/2/6/IMG_20211111_073756%20%281%29.jpg

Mùa vàng - Ảnh: L.A

 

 

Với diện tích sản xuất lúa hằng năm hơn 1.270 ha, để phát triển vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao, những năm gần đây xã Thanh An đã thực hiện tích tụ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Ưu tiên xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, các công trình thủy lợi đầu mối, kiên cố hóa kênh mương phục vụ cho vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo tưới tiêu khoa học, đưa các giống lúa thuần, lúa lai mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Thực hiện mô hình cánh đồng lớn sử dụng cùng một giống lúa, gieo cấy cùng thời điểm để hạn chế sâu bệnh và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình canh tác. Đồng thời, tăng cường kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Chủ tịch UBND xã Thanh An Trần Văn Nam cho biết, nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa các bộ giống mới vào sản xuất. Đến nay đã có trên 80% diện tích sử dụng lúa giống xác nhận và chất lượng cao. Liên kết với các trung tâm giống, chỉ đạo sản xuất lúa giống tập trung với quy mô từ 5-10 ha ở các thôn Trúc Kinh, Phi Thừa để chủ động trong sản xuất và cung ứng cho thị trường nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.

 

Thực hiện công tác cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa được trên 33 ha, xây dựng cánh đồng mẫu hơn 187 ha, chuyển đổi hơn 30 ha sang sản xuất theo hình thức lúa-cá. Đồng thời có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất hoặc liên kết với người nông dân để xây dựng mô hình cánh đồng lớn theo hướng sản phẩm sạch, hữu cơ; hình thành nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng một cách đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ khâu giống, làm đất, chăm sóc đến khâu thu hoạch và chế biến nhằm tạo chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao.

 

Hiện tại địa phương đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu gạo sạch Thanh An. Trước mắt, đã triển khai thực hiện tại HTX Thanh An và HTX Thanh Sơn với diện tích 5 ha trong vụ hè thu, mở rộng lên từ 15-20 ha trong vụ đông xuân 2021-2022. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP, phấn đấu cuối năm 2021 được Hội đồng đánh giá tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
 

Description: http://baoquangtri.vn/Portals/0/userfiles/6/2/6/THUC%20QUYEN%20-%201.JPG



Tăng cường sử dụng máy gặt đập liên hợp để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa - Ảnh: L.A

 

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, định hướng của huyện nhằm tạo bước đột phá về các yếu tố năng suất để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có trình độ thâm canh cao, hợp tác và liên kết bền vững. Mục tiêu đến năm 2025 ổn định vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao từ 2.800-3.000 ha, trong đó 1.400 ha lúa 2 vụ. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Cam Lộ đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới ổn định cho toàn bộ diện tích, nhất là các diện tích hiện đang gặp khó khăn về nước tưới trong vụ hè thu. Tùy vào điều kiện cụ thể từng vùng, thực hiện các phương án quy đổi hệ số và ưu đãi các chính sách khuyến nông, ứng dụng khoa học, cơ sở hạ tầng để tạo sự đồng thuận khi thực hiện chia cấp lại đúng diện tích theo Nghị định 64, phấn đấu một hộ chỉ sản xuất một vùng liền thửa; khuyến khích hộ không có khả năng sản xuất thì cho thuê, tạo điều kiện mở rộng diện tích thích hợp, thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ, quy hoạch tổ chức sản xuất theo vùng, giống phục vụ nhu cầu thị trường.

 

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như tiếp tục ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch đảm bảo nhanh gọn. Thí điểm dịch vụ thu mua chế biến gạo sạch ở vùng trọng điểm lúa, liên kết cung ứng tiêu thụ cho các xã vùng đồi và làng nghề bún Cẩm Thạch thông qua các HTX. Đây là khâu bắt buộc nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong sản xuất, làm cơ sở để thực hiện các giải pháp về khâu giống, thâm canh, thủy lợi và bảo vệ cây trồng trên địa bàn huyện.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 53
Hôm nay: 7439
Tổng lượt truy cập: 3.273.697
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.