Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 24-06-2024

Hội thảo “Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp”

Ngày 19/6/2024 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kết nối INNOVACONNECT VINFUTURE lần thứ 2 có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực này, thu hút được sự quan tâm của giới khoa học Việt Nam.

 

Các diễn giả tại hội thảo

DDT là một loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bao gồm cả ở Việt Nam. Mặc dù bị cấm ở hầu hết các nước công nghiệp vào những năm 1970 và 80, và ở Việt Nam vào năm 1995, nhưng do tính bền, dư lượng DDT vẫn có thể được tìm thấy trong môi trường và thậm chí cả trong mô người.

Đây là một thí dụ điển hình cho thấy tính chất độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe của chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POPs với sức khỏe con người lâu dài, được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Giảng viên cao cấp và Chuyên gia về hóa học phân tích và hóa học môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Trường đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã có 20 năm nghiên cứu về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) và khám phá ra xu hướng ô nhiễm POP và EDC, sự di chuyển của chúng trong môi trường và sự phơi nhiễm của con người ở Việt Nam.

Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu, chính là xác định được những điểm nóng ô nhiễm tiềm ẩn, là các khu vực thu gom và tái chế chất thải thủ công ở Việt Nam, khu vực tái chế rác thải điện tử, các khu vực xử lý xe hết hạn sử dụng, các cơ sở nấu chảy cao su, các nhà máy lọc dầu và các khu vực tái chế nhựa. Những chất ô nhiễm này là thiếu các tiêu chuẩn quy định. Mặc dù chúng ta có các chỉ số ô nhiễm không khí phổ biến như vật chất dạng hạt (PM2.5 và PM10), nhưng các hóa chất có thể hấp phụ vào các hạt vật chất và xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp.

Nhiều nơi đang nỗ lực đáng kể để giải quyết vấn đề phthalates và parabens. Thí dụ như ở Hồng Kông (Trung Quốc), đã cấm sử dụng ống hút nhựa và hiện đang thảo luận về các vật liệu thay thế như các sản phẩm tự nhiên, giấy và thủy tinh. Dù sản phẩm làm từ giấy nghe có vẻ lý tưởng, nhưng nó thường yêu cầu lớp phủ hoặc lớp lót để tăng độ bền, điều này có thể làm phát sinh những lo ngại khác. Chúng tôi cũng đã thảo luận về nhựa phân hủy sinh học, nhưng chúng yêu cầu các cơ sở cụ thể để xử lý đúng cách và có thể không phân hủy hoàn toàn trong đại dương hoặc bãi chôn lấp. Vì vậy, vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết.

Hiện nhiều người đang cố gắng ngừng sử dụng các hóa chất BPA và phthalates, nhưng điều đó rất khó đối với các vật dụng hàng ngày. Nếu chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn chúng, chúng ta nên chọn các loại nhựa an toàn hơn và xem xét các lựa chọn thay thế như chai thủy tinh hoặc hộp đựng bằng gốm. Việc thông báo cho công chúng về các lựa chọn này và cách sử dụng chúng là rất quan trọng.

Với mức độ phơi nhiễm tương đối cao ở Việt Nam, việc thiếu quy định và bằng chứng ngày càng tăng về các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, điều quan trọng là phải giải quyết các EDC mới này như một vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đề xuất chính sách cho chính phủ Việt Nam để giải quyết cả POPs cổ điển và EDC mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh cho hay, đây là một vấn đề phức tạp. Do đó, cần phải áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT). Đây là những phương pháp và hướng dẫn có thể đạt được kết quả tối ưu hoặc hiệu quả nhất trong bất kỳ hoạt động nào.

Về POPs cổ điển, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc quản lý và loại bỏ các chất này trong hai thập kỷ qua, hoàn thành các cam kết theo Công ước Stockholm. Giờ là lúc cần tập trung vào các nhóm hóa chất mới.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải thiết lập và thực thi các quy định đối với EDC ở Việt Nam dựa trên dữ liệu cơ bản toàn diện. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho phụ nữ mang thai và các gia đình về các rủi ro tiềm ẩn và biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Nhìn chung, giải quyết vấn đề phơi nhiễm EDC đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện bao gồm các quy định, nghiên cứu, giáo dục và các biện pháp can thiệp có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá cao Việt Nam đang phấn đấu cho những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, điều này có thể giúp việc xử lý nước thải tiết kiệm chi phí hơn và phát triển các hóa chất thân thiện với môi trường có thể sử dụng hàng ngày. Việt Nam cũng có nhiều cá nhân trẻ tài năng, thông minh và tháo vát. Một khi họ hiểu các vấn đề, họ có thể tìm ra giải pháp. Giáo sư khuyến nghị, Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khu vực để cùng nhau giải quyết vấn đề toàn cầu này.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 170
Hôm nay: 3543
Tổng lượt truy cập: 3.269.795
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.