Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 17-07-2024

Phát hiện bệnh glôcôm bằng thuật toán AI

Glôcôm là bệnh lý thần kinh thị giác bởi hình thái tổn thương đặc hiệu tiến triển của lớp sợi thần kinh và đĩa thị. Đây là nguyên nhân thứ hai gây mất thị lực hoàn toàn, chỉ sau đục thủy tinh thể. Tại Việt Nam hiện có khoảng trên 380 ngàn người bị mù hai mắt, trong đó có hơn 24 ngàn người bị mù lòa do glôcôm (chiếm 65% và đứng thứ hai sau bệnh lý đục thể thủy tinh 66,1%). Một phần nguyên nhân là do tỷ lệ phát hiện glôcôm của nước ta còn thấp, do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ứng dụng công nghệ học máy để xác định bệnh glôcôm. Đây được xem là phương tiện có độ nhạy và độ chuyên biệt cao (>90%) để phát hiện bệnh lý thần kinh thị do glôcôm, từ những hình ảnh đáy mắt chất lượng cao. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng thuật toán ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện nhanh và sớm bệnh Glôcôm.

Giao diện của phần mềm

Các tác giả đã sử dụng phần mềm AI có tên là EyeDr, bao gồm hệ thống máy chủ với các chức năng như lưu trữ dữ liệu hình ảnh gai thị và các bộ dữ liệu huấn luyện; nhận diện đặc trưng, phân loại bệnh lý glôcôm khi có yêu cầu từ phía người sử dụng… Ngoài ra, còn có phần mềm ứng dụng (EyeDr Software Client) cài đặt trên máy tính để bác sỹ tham gia khám tầm soát cho bệnh nhân. Khi bác sỹ sử dụng phần mềm EyeDr Software Client tải lên một hình ảnh gai thị, phần mềm sẽ chuyển hình ảnh này đến EyeDr Server, sau đó máy chủ EyeDr Server sẽ thực hiện việc tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu hình ảnh gai thị, đồng thời xử lý và trả kết quả chẩn đoán phân loại bệnh glôcôm về cho phía phần mềm tại máy bác sỹ.

Quy trình vận hành hệ thống EYEDR phục vụ nghiên cứu tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh được thực hiện với các bước như bệnh nhân A đến khám tầm soát glôcôm sẽ được chỉ định đi chụp hình màu gai thị tại Khoa chẩn đoán hình ảnh. Tại đây, hình ảnh đáy mắt được kỹ thuật viên chụp từ máy chuyên môn, xử lý ảnh và đẩy lên máy chủ lưu trữ tại thư mục hình ảnh gốc và chuyển về phần mềm EyeDr. Phần mềm hiển thị hình ảnh và các thông tin phân loại bệnh trên hình ảnh gai thị, giúp tầm soát bệnh lý glôcôm.

Thời gian trung bình để hệ thống máy học đọc và phân loại ảnh màu đĩa thị xác định bệnh lý glôcôm chỉ từ 8-12 giây, nhanh hơn rất nhiều so với mức 45 giây khi bác sỹ nhãn khoa chuyên về glôcôm thăm khám, hay 6-8 phút đối với bác sỹ nhãn khoa thông thường. Qua thử nghiệm lâm sàng, độ nhạy và độ chuyên biệt của phần mềm EyeDr được xác định lần lượt ở mức 90,3% và 95,1%.

Theo TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên, chủ nhiệm đề tài, chỉ cần trang bị máy chụp hình đáy mắt chụp được ảnh gai thị, các bệnh viện, trung tâm y tế đều có thể dễ dàng sử dụng phần mềmEyeDr để tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 13
Hôm nay: 2105
Tổng lượt truy cập: 3.337.618
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.