Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 06-08-2020

Giải pháp để phát triển rừng trồng hiệu quả và bền vững

Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng của tỉnh có gần 253.000 ha, trong đó rừng tự nhiên 140.839,3 ha; rừng trồng 112.127,3 ha. Độ che phủ rừng đạt 50,1%. Diện tích rừng đặc dụng 60.368,3 ha, rừng phòng hộ 66.804,4 ha, rừng sản xuất 114.932,5 ha. Những năm qua, việc giao, khoán rừng tự nhiên cho người dân bảo vệ và hưởng lợi là nhiệm vụ quan trọng mang nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội. Trong năm 2019, các đơn vị đã giao 920,6 ha rừng tự nhiên, nâng diện tích đã giao trên toàn tỉnh lên 19.026,31 ha (trong đó, giao cho 865 hộ gia đình 5.613,95 ha, 106 cộng đồng dân cư 13.412,36 ha). Việc tổ chức giao rừng được thực hiện đúng quy trình. Rừng sau khi giao được theo dõi, bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nhận rừng để phá rừng; đẩy mạnh khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, dịch vụ môi trường rừng, dự án JICA… với diện tích bình quân hằng năm trên 80.000 ha. Qua đó đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

 

Về phát triển, sử dụng rừng, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, trồng rừng đạt trên 6.000 ha/năm và Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh uỷ về tập trung phát triển và tăng tỉ lệ rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp và PTNT, các chủ rừng và chính quyền địa phương đã triển khai các hoạt động phát triển rừng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, bình quân hằng năm trồng rừng tập trung 8.030 ha, vượt Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra bình quân gần 34% (cao nhất là năm 2019: 9.320 ha, vượt 55 % KH); trồng 2,5 triệu cây phân tán các loại đạt 100% kế hoạch hằng năm; xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019- 2025, định hướng đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức chỉ đạo, quản lý nhà nước về giống và chất lượng cây giống trong trồng rừng, góp phần tăng năng suất rừng trồng, kết quả sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019 đã đạt từ 20 m3 /ha/năm trở lên; với sản lượng là 945.000 m3 , sản lượng năm sau cao hơn năm trước (năm 2019 tăng 68,8% so với năm 2017), do đó đã đáp ứng được nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp các tỉnh chế biến sâu các sản phẩm để xuất khẩu đi các nước trên thế giới... Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển và trở thành động lực thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới, đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn của cả nước.

 

Đặc biệt, triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 5/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ, từ những năm 2007, ngành Lâm nghiệp Quảng Trị với sự hỗ trợ từ Tổng cục Lâm nghiệp và các tổ chức quốc tế bắt đầu tiếp cận, triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Đến tháng 9/ 2010, nhóm hộ gia đình là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 318 ha rừng trồng. Sau đó 3 công ty lâm nghiệp cũng dần hoàn thiện công tác quản lý rừng theo hướng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng FSC vào những năm 2011, 2015. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với diện tích được cấp chứng chỉ là 23.429,3 ha.

 

Trong công tác quản lý, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đưa kết quả cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào là một chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh. Đối với các công ty lâm nghiệp, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn các công ty tiếp cận, thực hiện quản lý rừng bền vững và đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC bằng nguồn tài chính tự túc của các đơn vị. Hiện nay, tiếp tục hỗ trợ các đơn vị quản lý chứng chỉ, quản lý rừng và duy trì đánh giá thường niên hằng năm với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải 8.664.1 ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 là 6.424,0 ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Triệu Hải 5.194,23 ha.

 

Với chủ rừng là đối tượng hộ gia đình, trước yêu cầu cần một chủ thể có tư cách pháp nhân độc lập nhằm tập hợp các hộ trồng rừng để đăng ký cấp chứng chỉ với Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC, năm 2014, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý nhà nước chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT. Từ năm 2014 đến nay, việc duy trì hoạt động và phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của hội được thực hiện bằng hình thức liên kết tài trợ của các đơn vị thu mua gỗ, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước kết hợp cùng sự tự nguyện của hội viên. Đến nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC do hội quản lý đạt 3.147 ha.

 

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển rừng bền vững, cần tổ chức tuyên truyền vận động các chủ rừng rà soát lại các diện tích rừng trồng có đủ điều kiện chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và tổ chức cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng. Đối với các diện tích đã khai thác trồng lại rừng, khuyến khích các chủ rừng sử dụng các loại giống tốt và chọn các biện pháp thâm canh rừng thích hợp, tạo ra các khu rừng đạt năng suất, chất lượng cao để cung cấp gỗ xẻ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Tổ chức triển khai đề án “Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt để phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Tổ chức phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn gắn với các nhà máy chế biến gỗ, nhằm hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung. Lồng ghép với các chương trình, dự án về lâm nghiệp đang và sắp triển khai trên địa bàn để nâng cao nhận thức trong phát triển rừng trồng gỗ lớn. Tổng kết và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn đến các chủ rừng.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 108
Hôm nay: 10210
Tổng lượt truy cập: 3.276.467
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.