Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 13-06-2022

Hiệu quả từ việc chuyển đổi diện tích cây sắn kém hiệu quả sang cây trồng khác ở vùng Lìa

A Dơi là một trong những xã chuyển đổi diện tích cây sắn nhiều nhất trong vùng Lìa với tổng cộng gần 90 ha, chủ yếu chuyển sang trồng cây cao su. Sau năm đầu triển khai thí điểm với 20 ha cao su, nhận thấy đây là loại cây rất phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như chất đất tại địa phương, cây phát triển tốt nên trong các năm tiếp theo đó, xã liên tục thực hiện chuyển đổi diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng cao su với bình quân mỗi năm là 20 ha, riêng năm 2021 chuyển đổi được 23 ha. Đến nay, diện tích cao su tại địa bàn xã đã cho khai thác, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. 

Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết: “Chúng tôi nhận thấy cây cao su rất phù hợp với địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tuy đầu ra và giá mủ cao su có lúc còn gặp khó khăn nhưng giá trị kinh tế mang lại của loại cây này khá cao, so với cây sắn thì cao hơn nhiều. Năm nay, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi thêm 20 ha đất trồng sắn bạc màu sang trồng cao su, hướng đến xem đây là một trong những loại cây chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương”. 

Nhằm chuyển đổi đúng hướng về cây trồng, huyện đã tiến hành nghiên cứu chất đất, nguồn nước và thời tiết khí hậu tại vùng Lìa, lấy đó làm cơ sở để xây dựng đề án chuyển đổi với từng mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể, thiết thực. Giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ban, ngành và các địa phương để xây dựng đề án. Theo đó, cây cao su được lựa chọn làm cây trồng chủ lực, bởi đây là cây trồng được coi là thích hợp nhất với vùng Lìa và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, cây ngô, nghệ, gừng cũng được đưa vào trồng thí điểm trong đề án chuyển đổi cây trồng lần này. 

Để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, triển khai nhiều đợt tập huấn kỹ thuật ngay tại địa bàn từng xã với phương châm “cầm tay chỉ việc” từ khâu làm đất cho đến khâu chọn và xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là kỹ thuật cạo và bảo quản mủ cao su. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên quá trình chuyển đổi cây trồng tại vùng Lìa trong những năm qua được triển khai thuận lợi, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, từ đó bà con chủ động, tích cực trong việc chuyển đổi cây trồng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất từ các vùng khác để ứng dụng vào thực tiễn địa phương, đầu tư kinh phí xây dựng mô hình chuyển đổi và dần mở rộng thêm diện tích.

Đến nay, tại vùng Lìa đã thực hiện chuyển đổi gần 600 ha sắn kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, trong đó có 275 ha chuyển sang trồng cao su, 276 ha chuyển sang trồng ngô, 25 ha chuyển sang trồng gừng, nghệ. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi là 7,2 tỉ đồng, trong đó trên 4,4 tỉ đồng kinh phí từ ngân sách trung ương, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các nguồn vốn khác; gần 3 tỉ đồng là đóng góp của Nhân dân. Thực tế cho thấy, trên diện tích cây trồng đã được chuyển đổi, các loại cây trồng đều cho năng suất, chất lượng khá, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Với giá cao su ổn định, bình quân 1 ha cao su chăm sóc tốt và tự cạo mủ, người dân có thể thu từ 14 - 15 triệu đồng/tháng. 

Đối với các loại cây chuyển đổi khác, năng suất gừng, nghệ bình quân đạt 18 - 20 tấn/ha; ngô cho thu nhập 36 triệu đồng/vụ/ha, ngoài ra còn phụ thu từ thân ngô tươi để chế biến thức ăn cho gia súc. Hiệu quả quá trình chuyển đổi đã góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng Lìa phát triển, chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Phát triển nông nghiệp đúng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như quy hoạch ngành nông nghiệp. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và khai thác tài nguyên đất sẵn có phù hợp với thời tiết, khí hậu tại địa bàn… 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/NQHĐND, đến nay việc chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang cây trồng khác ở vùng Lìa đạt nhiều kết quả khả quan, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững hơn. Bên cạnh việc tiếp tục chuyển đổi diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, huyện đang phối hợp với Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng đề án cải tạo thâm canh đối với diện tích sắn chất lượng thấp. Theo đó, phía nhà máy sẽ hỗ trợ làm đất, phân bón, giống, huyện hỗ trợ kinh phí tập huấn…Tại kỳ họp HĐND huyện sắp tới, UBND huyện sẽ trình HĐND huyện thông qua đề án để thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030”.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 116
Hôm nay: 7885
Tổng lượt truy cập: 3.274.143
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.