Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 11-06-2024

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo gia tăng năng suất lao động

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp gia tăng năng suất lao động gấp nhiều lần và ở tất cả lĩnh vực thông qua khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu, tính toán nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết, Việt Nam và khu vực châu Á đang có sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Theo ông Trương Gia Bình, bên cạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu còn có cuộc chuyển đổi mới - chuyển đổi trí tuệ nhân tạo. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng 1/2024, tới năm 2030, hơn 40% lao động sẽ bị ảnh hưởng từ AI.

 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo gia tăng năng suất lao động.

Theo báo cáo mới nhất ở Mỹ (Work Trend Index Report, tháng 5/2024), 75% người đi làm đã dùng AI trong công việc; 46% mới dùng AI trong 6 tháng vừa qua; 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.

Cũng chia sẻ về lĩnh vực AI, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA ví dụ cụ thể để so sánh AI với con người. The đó, trí tuệ nhân tạo có thể viết email gửi khách hàng giới thiệu về sản phẩm nhanh gấp 36 lần so với con người, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần, nó cũng nhanh gấp 10 lần một lập trình viên trong thiết kế giao diện website.

Như vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, ứng dụng AI là chìa khóa để doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Đây cũng chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay là thiếu nguồn lực kỹ thuật và các chuyên gia về AI.

Báo cáo năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, những nghề sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai bởi công nghệ gồm: giáo dục (giáo viên); dịch vụ (chăm sóc khách hàng), y dược (bác sĩ, dược sĩ), tài chính (kiểm toán, kế toán), an ninh (bảo vệ, cảnh sát), chuyên gia…

10 ngành phát triển nhanh nhất thế giới gồm: chuyên gia AI và học máy; chuyên gia phát triển bền vững; nhà phân tích kinh doanh thông minh; nhà phân tích an toàn thông tin; kỹ sư Fintech (công nghệ tài chính); các nhà phân tích và nhà khoa học dữ liệu; kỹ sư robot; kỹ sư công nghệ điện tử; người vận hành thiết bị nông nghiệp; chuyên gia chuyển đổi số.

Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

Theo WB, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á (NSLĐ bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%; trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt 3,5%, 1,7% và 1,5%).

Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 1
Hôm nay: 1676
Tổng lượt truy cập: 3.267.929
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.