Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 17-06-2022

Đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch xanh tại Việt Nam

Khi các chuyến bay quốc tế trở nên rẻ hơn và du lịch ngày càng tiếp cận được với nhiều người hơn, tác động của du lịch đối với cộng đồng toàn cầu đang trở nên rõ ràng. Số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng theo cấp số nhân từ 25 triệu vào năm 1950 lên 1,1 tỷ vào năm 2015, và trong khi ngành du lịch và du lịch toàn cầu tạo ra khoảng 10% GDP của thế giới, ở nhiều quốc gia, có tới 80% trong số này đến từ khách du lịch nước ngoài (Build Abroad, 2017). Tuy vậy, tác động từ du lịch tới môi trường lại vô cùng lớn, từ khí thải do vận chuyển hành khách đến sự biến mất của các loài sinh vật trong quá trình phát triển các khu nghỉ dưỡng và các điểm tham quan, cùng quá trình hủy hoại lối sống của người dân bản địa và thoái hóa tài nguyên cộng đồng địa phương, khiến du lịch không còn là công cụ phát triển kinh tế hiền hòa như trước kia (Stelios & Melisidou, 2010).

Với sự phát triển của ngành du lịch, các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới môi trường do du lịch gây ra đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ công chúng (Cheng et al., 2018; Gurung, 2015; Hwang & Lee, 2018). Mối quan tâm về tính bền vững trong ngành du lịch đã dẫn đến sự xuất hiện của một hình thức du lịch mới, được gọi là du lịch xanh; hình thức này thúc đẩy ý tưởng về tính bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (Butarbutar & Soemarno, 2013; Hwang & Lee, 2018). Theo Hiệp hội du lịch quốc tế, du lịch xanh có thể được định nghĩa là du lịch có trách nhiệm tới các khu vực tự nhiên, liên quan tới việc bảo tồn môi trường, duy trì sự thịnh vượng của người dân địa phương. Du lịch xanh thường liên quan tới các yếu tố sau: học tập, giải trí và phiêu lưu được thực hiện trong môi trường tự nhiên (Hwang & Lee, 2018).

Du lịch xanh có thể bảo vệ môi trường sống tự nhiên và môi trường nguyên sơ. Sự giàu có của các nước đang phát triển như Việt Nam thường gắn liền với tài nguyên thiên nhiên như rừng, khoáng sản và đất đai sử dụng cho nông nghiệp. Khai thác các tài nguyên này đồng nghĩa với việc thay đổi hoặc phá hủy môi trường sống hoang dã và cảnh quan thiên nhiên. Các dịch vụ du lịch lớn có khả năng thay đổi truyền thống và lối sống của người dân bản địa. Khi điều này xảy ra, người dân địa phương thường phải di dời và bị tàn phá ở cả mức độ thể chất và cảm xúc do những căng thẳng về xã hội (Gurung, 2015; Williams, 2011). Du lịch xanh là một khía cạnh quan trọng của du lịch bền vững, tập trung vào việc bảo tồn các khu vực tài nguyên, đất đai và động vật hoang dã (Gurung, 2015; Weber, 2013). Điều này không chỉ bao gồm giữ nguyên hiện trạng môi trường du lịch, mà còn là sự sáng tạo và cải thiện tình hình hiện tại, chẳng hạn như hỗ trợ người dân địa phương bảo vệ một giống vật nuôi hay cây trồng sắp bị tuyệt chủng.

Xuất phát từ thực tiễn đó nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Học Viện ngân hàng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Vân Hà thực hiện đề tài Đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch xanh tại Việt Nam với mục tiêu: Đánh giá thực trạng và tiềm năng của du lịch xanh tại Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển du lịch xanh tại Việt Nam.

Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, trong đó có việt nam. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích tích cực mang lại, việc phát triển du lịch ồ ạt đang mang lại những thách thức đối với môi trường và các cộng đồng địa phương. Du lịch xanh được hiểu là “du lịch đến những điểm đến, nơi hệ thực vật, động vật và di sản văn hóa là những điểm thu hút chính; nơi tác động của khí hậu được giảm thiểu với mục đích tôn trọng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên". Trên cơ sở đó nhóm đề tài đã thực hiện nghiên cứu hệ thống lý thuyết về du lịch xanh, đánh giá thực trạng và tiềm năng của du lịch xanh tại việt nam từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển du lịch xanh tại việt nam.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Thứ nhất, đề tài đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý thuyết về du lịch xanh với những đặc điểm và qui trình phát triển du lịch xanh, các nhân tố chủ yếu tác động tới ý định lựa chọn du lịch xanh của du khách, vai trò của du lịch canh đối với địa phương. Việc hệ thống kinh nghiệm phát triển du lịch xanh của các quốc gia rằng việc triển khai tốt du lịch xanh sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học cũng như phát huy và bảo tồn văn hoá, di sản của địa phương.

Thứ hai, thông qua phân tích thực trạng về du lịch xanh cho thấy Việt Nam đã có chính sách và chiến lược để phát triển du lịch xanh, xu hướng phát triển du lịch xanh được nhiều địa phương và doanh nghiệp ủng hộ, Du lịch xanh góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều địa phương. Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch xanh cho thấy Khách du lịch có xu hướng lựa chọn du lịch xanh ngày càng nhiều. Tuy vậy, một số yếu tố vẫn còn là cản trở cho sự phát triển của du lịch xanh thời gian tới như: Sự phát triển thiếu đồng bộ của các cơ sở lưu trú; Thiếu hụt cơ chế, chính sách và những hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Những vấn đề này cần có những giải pháp để hoàn thiện và phát triển du lịch xanh thời gian tới.

Thứ ba, thông qua nghiên cứu điều tra khảo sát đối với du khách cho thấy tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam là rất khả thi. Việt Nam có nhiều Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch xanh với đa dạng sản phẩm, khả năng tiếp cận du lịch xanh dễ dàng, và các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển du lịch xanh cũng đã được nhận diện và đang tạo cho nền tàng tốt. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra 6 nhóm nhân tố ảnh hưởng 125 đến phát triển du lịch xanh tại Việt Nam bao gồm: (1) Nhân lực ngành du lịch; (2) Chính sách hỗ trợ du lịch xanh; (3) sản phẩm du lịch xanh; (4) cơ sở lưu trú xanh; (5) giao thổng điểm đến và (6) lựa chọn du lịch xanh của du khách. Trong đó, 4 yếu tố tác động mạnh mẽ nhất là chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh; nguồn nhân lực cho phát triển du lịch xanh; các sản phẩm du lịch xanh và cơ sở lưu trú.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17262/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 5602
Tổng lượt truy cập: 3.282.685
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.