Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 13-02-2023

Ứng dụng một số công nghệ mới để đánh giá khả năng sản xuất và chất lượng thịt của các cặp bò lai phục vụ phát triển thương hiệu bò thịt tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk)

Dùng tinh bò nhập ngoại, đặc biệt là tinh bò BBB (Blanc Blue Belge) để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái nền Lai Zebu của Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo ra một cú hích mạnh trong chăn nuôi bò lấy thịt. Bò lai có tốc độ lớn nhanh, tỷ lệ thịt tinh cao, đem lại hiệu quả chăn nuôi tính ra tiền vượt trội so với những công thức lai khác ở nước ta. So với đàn bò thịt hiện có, bò lai với tinh bò nhập ngoại dễ nuôi, lớn nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp.

Để có được đàn bò đặc sản, mang tính riêng biệt, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Văn Ty tại Công ty TNHH Liên Hợp Công Nông Nghiệp Phát triển bền vững Sao Đỏ đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng một số công nghệ mới để đánh giá khả năng sản xuất và chất lượng thịt của các cặp lai Blanc Bleu Belge (BBB) x Red Brahman Úc, Charolais x Red Brahman Úc, Red Angus x Red Brahman Úc, phục vụ phát triển thương hiệu bò thịt tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk)” từ năm 2017 đến năm 2020.

Mục tiêu chung của đề tài là nâng cao giá trị của đàn bò thịt và thịt bò bằng việc khai thác các tiến bộ mới phục vụ phát triển thương hiệu bò thịt tại huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk); Trong 3 năm thực hiện mục tiêu cụ thể của để tài được đặt ra là: Tạo ra 3 cặp lai (150 con bê/1 cặp lai); Xây dựng và làm chủ quy trình công nghệ tạo ra các cặp bò lai, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo các cặp lai; Đánh giá năng suất và chất lượng thịt của 3 cặp con lai.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

- Thụ tinh nhân tạo bò Brahman nhập ngoại từ Úc, đã nuôi thích nghi tại M’Đrắk (Đắk Lắk) với tinh nhập ngoại các giống bò Blanc Blue Belge (Bỉ), Charolais (Pháp) và Red Angus (Canada) đạt tỷ lệ bò có chửa đến cuối kỳ tương ứng là: 74,3 %; 72,6%, 78,0%; Mức 1,3-1,4 liều tinh/1 bò có chửa; Tạo ra 153 bê lai Blanc Bleu Belge, 156 bê lai Charolais và 167 bê lai Red Angus.

- Ưu thế lai thể hiện qua các chỉ số: bò lai thích nghi tốt như bò Brahman; tăng khối lượng bê sơ sinh; tăng khối lượng bê cai sữa, tăng khối lượng bò xuất chuồng trong cùng một điều kiện dinh dưỡng chăm sóc, theo quy luật: lai BBB > lai CHA > lai RA > RBU; Tỷ lệ thịt tinh ở bò lai BBB (51,8%), lai CHA (51,3%), lai RA (42,3%) và RBU (49,2%); Thịt bò lai RA có tỷ lệ vật chất khô (24,9%), protein thô (29,4%) và lipit (2,0%) cao nhất trong nhóm bò thử nghiệm; Các đặc tính lý, hóa, màu sắc, mùi, độ ngon đặc trưng của thịt bò lai đã được khảo sát; Các ưu thế lai về chất lượng thịt có liên quan mật thiết với đa hình các điểm đột biến trên gen DGAT, Leptin, SCD1, CAST, CANP1.

- Đã xây dựng và làm chủ quy trình công nghệ tạo ra các cặp bò lai; quy trình chăm sóc, dinh dưỡng, thú y các cặp lai; quy trình vỗ béo các cặp lai; Mô hình vỗ béo bò đực lai cho thấy lợi nhuận do chênh lệch về khối lượng là: bò đực lai RA, CHA, BBB cho lợi nhuận cao hơn so với bò đực RBU tương ứng là: 111,0-111,4; 144,9- 153,7; 193,3-193,7 (%).

Kết quả của đề tài là cơ sở trực tiếp phát triển chăn nuôi bò thịt, sản xuất thịt bò công nghiệp tại Việt Nam. Các quy trình công nghệ của đề tài đem lại ích lợi trực tiếp cho doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người tiêu dùng: Sản xuất bò thịt năng suẩt cao, chất lượng tốt, ổn định, có tính khác biệt, hướng tới tạo thương hiệu thịt bò có uy tín trong nước, mở rộng ra thị trường khu vực và xuất khẩu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18113/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 75
Hôm nay: 2379
Tổng lượt truy cập: 3.279.463
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.