Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 05-04-2023

Dự báo sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng đến sóng và thời tiết các khu vực biển Việt Nam hạn 3 ngày

Đối với Việt Nam để nâng cao độ chính xác của các mô hình số trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) và kéo dài thời hạn dự báo nhất thiết phải cải thiện trường ban đầu, lựa chọn tối ưu các tham số cho mô hình và áp dụng các biện pháp thống kê để xử lý kết quả dự báo của mô hình. Khi có bão hoặc áp thấp trên Biển Đông là thời tiết và trường sóng thay đổi lớn nên việc dự báo chúng là cần thiết để phục vụ khai thác biển và phòng tránh thiên tai. Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít được đề cập tới trong các đề tài nghiên cứu trước đây vì mức độ ảnh hưởng của chúng đến đời sống con người không nguy hiểm như bão song khi gặp các điều kiện thuận lợi, áp thấp nhiệt đới vẫn có khả năng gây ra những hệ quả nặng nề như mưa rất to, sóng lớn, giảm tầm nhìn trên biển ảnh hưởng giao thông biển…

Vì thế việc nghiên cứu về hoạt động của ATNĐ và hệ quả thời tiết của chúng là cần thiết. Để đạt được mục tiêu nêu trên và phù hợp với hệ thống tính toán tại các đơn vị nghiệp vụ, nhóm nghiên cứu của GS. TS. Trần Tân Tiến tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Dự báo sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng đến sóng và thời tiết các khu vực biển Việt Nam hạn 03 ngày” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài được xây dựng với mục tiêu ba mục tiêu chính là: xây dựng được công nghệ dự báo sự hình thành, phát triển và di chuyển của XTNĐ trên Biển Đông; dự báo hạn 3 ngày các yếu tố khí tượng, sóng cho từng khu vực biển Việt Nam khi có XTNĐ trên Biển Đông; thử nghiệm dự báo theo chế độ nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ. Kết quả đạt được của đề tài sẽ cho phép xây dựng các công nghệ dự báo sự hình thành, quỹ đạo, cường độ XTNĐ và thời tiết & sóng hạn 3 ngày. Các sản phẩm này có thể chuyển giao cho các đơn vị đào tạo cũng như ứng dụng, phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển.

Đề tài đã nghiên cứu cải tiến các mô hình dự báo cho phù hợp với điều kiện thời tiết khi có XTNĐ hoạt động trên Biển Đông. Đối với các mô hình khí tượng nghiên cứu lựa chọn và cải tiến các sơ đồ đối lưu, cập nhật số liệu địa phương, cài xoáy nhân tạo, tạo nhiễu ban đầu cho các mô hình số hiện có ở Việt Nam và chạy dự báo lại các cơn XTNĐ lịch sử trước khi hình thành ATNĐ 2 đến 3 ngày để tạo ra bộ số liệu phục vụ bài toán dự báo tổ hợp bằng phương pháp thống kê. Sử dụng các phương pháp tổ hợp từ đơn giản (trung bình) đến phức tạp (siêu tổ hợp, nuôi nhiễu) để xây dựng phương pháp dự báo sự hình thành, phát triển và di chuyển của XTNĐ và thời tiết ở Việt Nam. Để dự báo sóng đã sử dụng mô hình tính sóng WAVEWATCH III (WWIII) được phát triển tại NOAA/NCEP đầu vào đã sử dụng trực tiếp các trường khí tượng tổ hợp từ kết quả của các mô hình số dự báo XTNĐ như WRF- LETKF, RAMS -BREDING và số liệu vệ tinh. Công nghệ dự báo đạt tầm khu vực và nâng chất lượng phục vụ của ngành khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả phòng chống bão lụt từ trước khi hình thành ATNĐ trên Biển Đông. Công nghệ dự báo còn hỗ trợ các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng cứu hộ trên biển đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội trong việc phòng chống kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và của cải với các ngành như: khai thác dầu khí, đánh bắt cá xa bờ, giao thông vận tải biển, du lịch.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18276/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 86
Hôm nay: 2324
Tổng lượt truy cập: 3.279.408
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.