Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 24-04-2023

Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài

Cơ khí là một ngành công nghiệp có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, bởi đây là một ngành công nghiệp sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp và phục vụ cho các ngành kinh tế khác.

Chuyển giao công nghệ là con đường tất yếu để mỗi quốc gia giải quyết tốt các vấn đề khoa học, kinh tế và xã hội. Việc hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia là tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ giúp họ có thể tăng năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh, qua đó có cơ hội phát triển khoa học và công nghệ, cũng như phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững hơn.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Văn phòng hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thị Hà thực hiện Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài với mục tiêu: Xây dựng được cơ sở lí luận và thực tiễn về hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và đề xuất được các chính sách và giải pháp hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, vào những năm 1960, Chính phủ đã có những chính sách trong nhập công nghệ qua kênh đầu tư nước ngoài dưới dạng chìa khóa trao tay. Tuy nhiên, từ năm 1980 trở đi, nước này chấp nhận tiếp nhận công nghệ theo hình thức OEM (sản xuất thiết bị gốc) để học hỏi công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Đến đầu những năm 1990, Hàn Quốc dần chuyển từ hình thức OEM sang hình thức ODM (sản xuất thiết kế gốc) trong một số lĩnh vực.

Tại Nhật Bản, Chính phủ chỉ cho phép một số doanh nghiệp nhận chuyển giao thiết bị, máy móc thuộc thế hệ đầu, và bắt buộc những doanh nghiệp còn lại phải sử dụng những thiết bị, máy móc, công nghệ đã được nội địa hóa. Để có thể thực hiện được điều này, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thiết bị của Nhật Bản phải có hiểu biết nhất định để nắm vững chắc công nghệ và các thiết bị, máy móc đã được chuyển giao để sản xuất, kinh doanh.

Tại Trung Quốc, nghiên cứu của WIPO (World Intellectual Property Organization) đã chỉ ra rằng, Trung Quốc thời kỳ đầu cũng trong tình trạng tương tự 2 Hàn Quốc khi nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền từ Liên Xô (cũ). Sau đó, Trung Quốc chuyển hướng sang nhập các công nghệ từ Nhật Bản và các nước Tây Âu để nâng cao năng lực và tích lũy kinh nghiệm. Đến giai đoạn khi nền công nghiệp phát triển mạnh, Trung Quốc chuyển đổi chính sách nhập khẩu và chuyển giao công nghệ dưới hình thức mới là cho phép các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới hình thành các cơ sở nghiên cứu và phát triển, sau đó chuyển giao công nghệ cho các cơ sở trong nước.

Tại Đài Loan, theo kết quả nghiên cứu của UNCTAD, Đài Loan lại có chiến lược, định hướng nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ rất sớm và nhất quán. Đầu tiên, Đài Loan nhập khẩu và chuyển giao công nghệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài rồi chuyển sang hình thức chuyển nhượng, sau đó chủ động nghiên cứu và phát triển (R&D), chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo. Chính sách này được Đài Loan ổn định, được duy trì đến hiện nay

Thái Lan cũng là nước có chiến lược chuyển giao và nhập khẩu công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty và tập đoàn lớn của Nhật Bản, Mỹ. Đến nay, với phương thức nhập khẩu công nghệ để làm chủ, sản xuất các sản phẩm hướng tới xuất khẩu, Thái Lan đã thành công trong một số lĩnh vực chủ đạo của nền công nghiệp như sản xuất xe máy, ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và đã xuất khẩu được với sản lượng lớn.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Thứ nhất, đã đưa ra được cơ sở lý luận về hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, phân tích vai trò các bên tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, hệ thống hóa đối tượng, phương thức chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài;

Thứ hai, đề tài đã phân tích thực trạng trình độ công nghệ, năng lực công nghệ, khả năng làm chủ công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành cơ khí; đã đánh giá thực trạng chính sách về hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đưa ra các thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế về chính sách hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ ba, đưa ra được các bài học cho Việt Nam về chính sách hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới (Thái Lan, Malaixia, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Thứ tư, đề tài đã đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài của Việt Nam dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18219/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 2142
Tổng lượt truy cập: 3.279.226
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.