Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 23-06-2023

Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới thị trường lao động ở Việt Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) là một xu thế tất yếu mang tính toàn cầu và không một quốc gia, khu vực nào có thể đứng ngoài. Theo quan điểm của K. Schwab, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), CMCN4.0 sẽ dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của con người với tốc độ và mức độ không lường được, đặc biệt là sự thay đổi về cách thức tiến hành sản xuất ra các sản phẩm/dịch vụ phục vụ nhu cầu của con người.

Những công nghệ 4.0 như Internet vạn vật (ToT), Trí tuệ nhân tạo (AI), In 3D, Robot hiện đại, Công nghệ tăng cường thực tế và thực tế ảo (AR/VR) đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi. CMCN4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít thách thức đối với người lao động. Sẽ có những ngành/nghề bị tác động tiêu cực, hoặc thậm chí là biến mất, song cũng sẽ có những ngành/nghề mới, hình thức việc làm mới, quan hệ lao động mới xuất hiện và phát triển. Một số báo cáo của các tổ chức quốc tế như ILO, WB, ICISCO đưa ra các dự báo về rủi ro giảm việc làm đối với lao động kỹ năng thấp, lao động phổ thông, lao động lắp ráp trên các dây chuyền sản xuất trong ngành chế biến chế tạo. Báo cáo của ILO năm 2016 ước tính đến 2025, 86% lao động trong ngành may mặc của Việt Nam có nguy cơ cao bị mất việc dưới tác động của tự động hóa. Các nghiên cứu cũng thống nhất nhận định các kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, cách thức tương tác giữa Cung-Cầu lao động (người lao động-người sử dụng lao động)… cũng sẽ thay đổi, dẫn tới sự thay đổi (để thích ứng với tình hình mới) tất yếu của hệ thống giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng thị trường lao động và cả chính sách thị trường lao động. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp, người lao động nhận thức về CMCN4.0 chưa đầy đủ và những chuẩn bị để đón nhận và thích ứng với xu thế của CMCN4.0 chưa thực sự phù hợp. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, chủ yếu là ngoài nước đề cập tới chủ đề CMCN4.0 và tác động đến thị trường lao động.

Các nghiên cứu này đều đi đến thống nhất rằng CMCN4.0 sẽ tác động mãnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, và cả thị trường lao động (TTLĐ). Trong nước, đã có một số nghiên cứu chỉ ra tác động của CMCN4.0 đến TTLĐ, song nhìn chung các nghiên cứu còn manh mún, chưa toàn diện về tác động của CMCN4.0 tới TTLĐ ở Việt Nam cả về góc độ lý luận và góc độ thực tiễn như tìm hiểu về kênh tác động, xu hướng, mức độ và phạm vi tác động của CMCN4.0 tới thị trường lao động nước ta.

Nhằm góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đặc biệt là cơ chế tác động, các kênh tác động và những tác động cụ thể của CMCN4.0 đến TTLĐ, góp phần giải đáp những câu hỏi về cơ hội và thách thức đối với người lao động, những vấn đề đặt ra đối với quản trị thị trường lao động, hệ thống giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng để bảo đảm cho thị trường lao động hoạt động hiệu quả từ đó khuyến nghị các giải pháp cụ thể; đồng thời, đánh giá tác động của cuộc CMCN4.0 tới TTLĐ Việt Nam và khuyến nghị các giải pháp chính sách nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực của CMCN4.0 tới TTLĐ Việt Nam đến 2025, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Lao động và Xã hội do TS. Đào Quang Vinh đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới thị trường lao động ở Việt Nam”.

Kể từ năm 2016, khi những thông tin đầu tiên về tác động của CMCN4.0 đến lao động việc làm ở Việt Nam được công bố trong một báo cáo nghiên cứu của ILO, nhận thức về các cơ hội và thách thức mà CMCN4.0 mang lại đối với vấn đề lao động và việc làm của các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân nói chung ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Các cam kết chính trị đã được thực hiện và các biện pháp chuẩn bị cho CMCN4.0 đang được triển khai. Nghiên cứu này đã được thực hiện trong thời điểm thích hợp để xem xét những tác động cụ thể của CMCN4.0 đến thị trường lao động nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp để nắm bắt cơ hội và đối phó với những tác động tiêu cực do CMCN4.0 mang lại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ sẵn sàng và sự tham gia vào CMCN4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Quá trình đổi mới công nghệ theo các công nghệ 4.0 còn chậm và như một hệ quả, tác động của CMCN4.0 đến thị trường lao động Việt Nam còn ít. Mức độ chuyển đổi việc làm theo các công nghệ 4.0 còn thấp. Những tác động đến kỹ năng, tiền lương, quan hệ lao động còn mang tính nhỏ lẻ. Mặc dù vậy, cũng đã xuất hiện những xu hướng và là cơ sở cho các dự báo trong tương lai về nhu cầu kỹ năng, về chuyển dịch việc làm, xu hướng phân hóa tiền lương và các vấn đề về quan hệ lao động.

Những tác động này cũng đặt ra những yêu cầu về đổi mới hệ thống quản trị TTLĐ và kết nối cung cầu lao động; về đổi mới chính sách việc làm; đổi mới chính sách và hệ thống đào tạo nhân lực; về chính sách tiền lương và quan hệ lao động và về các chính sách an sinh xã hội đối với người lao động.

Trong tương lai cần các nghiên cứu sâu hơn, các nghiên cứu đánh giá định lượng mức độ tác động của I4.0 đối với từng vấn đề cụ thể để làm cơ sở cho các hoạt động dự báo, tổ chức đào tạo, tổ chức DVVL và hỗ trợ người lao động.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18463/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 30
Hôm nay: 1424
Tổng lượt truy cập: 3.278.509
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.