Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 30-06-2023

Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim phục vụ thiết kế đồ lót nam từ sợi I - Skin

Ngày nay trên thế giới ngành công nghiệp dệt ở nhiều nước đã sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu dệt mới để tạo ra những sản phẩm dệt may chức năng phục vụ những nhu cầu khác nhau của nhiều mục đích sử dụng, ví dụ: khả năng giữ nhiệt cho cơ thể, khả năng kháng khuẩn, khử mùi, tính ưa nước, khả năng nhả bẩn, chăm sóc sức khỏe, chống cháy, chống tia tử ngoại, hồng ngoại, quản lý ẩm…

Vải dệt không chỉ đáp ứng yêu cầu may mặc thông thường của người tiêu dùng mà còn đáp ứng các yêu cầu liên quan đến sự thoải mái khi mặc, cảm giác sờ tay và dễ chăm sóc, tính năng chăm sóc sức khoẻ, cũng như một số tính năng khác. Các loại xơ truyền thống có nguồn gốc từ thực vật như xơ bông, lanh, đay, gai... chỉ đáp ứng được phần nào đòi hỏi của người tiêu dùng, chính vì thế các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu nghiên cứu và phát minh ra các loại xơ sợi tổng hợp và xơ tái tạo được sản xuất từ nguyên liệu dầu mỏ và xenlulo để thay thế các nguyên liệu tự nhiên bị thiếu hụt và đồng thời thay thế vào nguồn nguyên liệu tự nhiên ở một số ứng dụng mà nguồn nguyên liệu tự nhiên không đáp ứng được như độ bền cơ học, nhẹ, mềm mại, kháng khuẩn… Xơ sợi tổng hợp và tái tạo tuy đã khắc phục được một số nhược điểm của xơ sợi tự nhiên nhưng vẫn có một số nhược điểm nhất định ví dụ như xơ sợi polyester truyền thống khi sản xuất, thiết kế ra các trang phục quần áo sát da bị thô ráp, hàm ẩm thấp, có khả năng sinh tĩnh điện tạo cảm giác khó chịu cho người mặc. Xơ sợi tái tạo từ xenlulo thì có độ bền không cao đặc biệt là độ bền ở trạng thái ướt… Để khắc phục nhược điểm đó các nhà nghiên cứu đã cải tiến để hạn chế nhược điểm của xơ sợi truyền thống nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, việc ứng dụng nguyên liệu I - Skin trong ngành dệt còn rất mới, trong khi tiềm năng ứng dụng vật liệu mới trong ngành dệt là rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các yêu cầu về gia tăng giá trị chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và thời gian sản xuất, tăng sức cạnh tranh đang là các yêu cầu rất cấp thiết.

Hầu hết các sản phẩm may mặc có sử dụng chất liệu I - Skin, I - Skin pha với một số xơ khác ở Việt Nam hiện nay đều là các sản phẩm được nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì: Công ty Cổ phần - Viện Nghiên Cứu Dệt May cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Đức Hóa thực hiện Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim phục vụ thiết kế đồ lót nam từ sợi I - Skin với mục tiêu: Có được quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim thành phẩm từ sợi I - Skin; Phát triển dòng sản phẩm đồ lót từ vải I - Skin.

Hiện nay trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản và Đài Loan đã nghiên cứu ứng dụng rộng rãi sợi I - skin để sản xuất vải dệt kim và dệt thoi trong đó vải dệt kim là chính để thiết kế may các sản phẩm may mặc cho dòng sản phẩm quần áo thể thao, quần áo trẻ em, quần áo sát da... Tùy vào mục đích sử dụng khác nhau sợi I - Skin có thể dệt một mình cũng có thể dệt kết hợp với các sợi khác như sợi viscose, bông, polyester, spandex...

Công nghệ nhuộm vải từ sợi I - Skin pha bông thực chất là công nghệ nhuộm màu cho 02 thành phần bông và I - Skin. Cả hai thành phần xơ bông và I - Skin đều có nguồn gốc từ cellulose, nên có thể xem xét lựa chọn các lớp thuốc nhuộm cho sợi cellulose như hoạt tính, trực tiếp, hoàn nguyên, lưu hóa, Indigo…Với yêu cầu màu nhuộm đều, có độ bền màu cao, dễ thực hiện tại các doanh nghiệp, nhóm đề tài lựa chọn sử dụng thuốc nhuộm hoạt tính phù hợp nhất để nhuộm cho vải I - Skin pha bông vì lớp thuốc nhuộm trực tiếp và lưu hóa không cho độ bền màu cao, thuốc nhuộm hoàn nguyên dải màu bị hạn chế, ít màu tươi sáng, giá thuốc nhuộm cao và nước thải khó xử lý. Trong thực tế lớp thuốc nhuộm hoạt tính được sử dụng phổ biến nhất cho sợi vải có nguồn gốc từ cellulose. Việc lựa chọn thuốc nhuộm trước hết phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý về an toàn cho người sử dụng và môi trường, đồng thời cần thí nghiệm trước để đánh giá sự phù hợp của các thuốc nhuộm với các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm vải. Vì vậy nhóm thực hiện đề tài lựa chọn thuốc nhuộm hoạt tính để tiến hành nghiên cứu chính trong đề tài này.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Tổng hợp, biên soạn được tập tài liệu tổng quan về nguyên liệu I - Skin.

- Lựa chọn mặt hàng, thiết kế và triển khai dệt được 1 mặt hàng phù hợp tại Công ty Cổ phần Dệt kim Hanosimex, các chỉ tiêu cơ lý hóa đạt yêu cầu đặt ra của đề tài.

- Thử nghiệm mẫu nhỏ trong phòng thí nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ tẩy nhuộm hoàn tất cho các mặt hàng từ nguyên liệu I - Skin, hiệu chỉnh thông số công nghệ cho phù hợp với các điều kiện hiện có tại các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.

- Triển khai tẩy nhuộm hoàn tất thử nghiệm mặt hàng tại Công ty Cổ phần Dệt kim Hanosimex (sản xuất dệt, nhuộm và hoàn tất 110 kg vải Single Jersey Ne 40/1 I - Skin/bông 50/50 + 20d khổi lượng 180 g/m2).

- Thiết kế may thử nghiệm sản phẩm quần underwear cho nam (thiết kế và may 40 quần lót nam).

- Quá trình thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm cho thấy hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên liệu mới I - Skin vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu mới có nhiều tính năng ưu việt.

- Sản phẩm của đề tài đã nhận được tín hiệu tốt của trị trường và lợi nhuận ước tính khi sản xuất loại vải này khoảng 20% (đây là mức lợi nhuận khá cao).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18566/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 67
Hôm nay: 977
Tổng lượt truy cập: 3.278.059
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.