Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 02-08-2023

Nghiên cứu phát triển sản xuất các giống mía với quy mô công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao cho vùng mía nguyên liệu Thanh Hóa

Ở nước ta, quy mô nghiên cứu chọn tạo giống nói chung còn yếu, nhất là ở khu vực miền Bắc. Giống mía hầu hết là nhập nội kèm theo nhiều sâu bệnh hại. Hệ thống nhân giống còn nhỏ lẻ, đứt quãng, không được coi như một nhiệm vụ thường xuyên, chưa đạt đến quy mô pilot và chưa tạo được hệ thống giống sạch bệnh cho công nghiệp mía đường. Nhiều giống mía tốt đang sản xuất trên quy mô lớn nhưng đang thoái hóa mạnh, chưa có quy trình nhân giống thích hợp cho các giống khác nhau. Giống mía cũ thoái hóa nhiều trong sản xuất. Việc thay thế giống cũ bằng các giống mới xảy ra chậm chạp. Hệ thống nhân giống mía chưa được tổ chức liên hoàn từ nghiên cứu nhân giống trong phòng thí nghiệm đến sản xuất giống cấp I (Cây cấy mô, giống cấp I, giống gốc), sản xuất giống cấp II (giống xác nhận), sản xuất giống thương mại (giống cấp III). Nhiều nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Israel, Pháp, Australia... đều sử dụng công nghệ nuôi cấy mô như một mắt xích ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hệ thống giống. Nuôi cấy mô còn là biện pháp an toàn trong cung cấp giống sạch bệnh, giảm chi phí thuốc hoá học, giúp cho việc nhập nội giống và trao đổi nguồn gen. Đặc biệt, nhập nội giống hàng loạt có thể mang các bệnh virus, nấm, vi khuẩn, trứng các loài sâu hại từ nước ngoài vào nước ta, dẫn đến thoái hoá giống, giảm năng suất và tăng chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh. Việc nghiên cứu nhân nhanh các giống mía mới bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ cho sản xuất mía đường ở Việt Nam là một đòi hỏi hết sức bức bách của sản xuất.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, do CN. Lê Văn Tam làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu thực hiện dự án: “Nghiên cứu phát triển sản xuất các giống mía với quy mô công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao cho vùng mía nguyên liệu Thanh Hóa” nhằm ứng dụng hệ thống công nghệ cao trong nhân các giống mía năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh 3 cấp phục vụ phát triển sản xuất quy mô công nghiệp cho công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các công ty mía đường trong cả nước; tuyển chọn và phục tráng các giống mía sạch bệnh, có năng suất chất lượng cao phục vụ vùng mía nguyên liệu Thanh Hóa; phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nhân, sản xuất giống và trồng mía nguyên liệu; xây dựng vùng nguyên liệu mía ổn định, bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ nâng cao tiềm lực trong nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất mía.

Dự án đã thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung và các sản phẩm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu theo hợp đồng của đã ký kết, thể hiện rõ ở các kết quả sau:

1. Dự án đã tiến hành đánh giá đánh giá tuyển chọn thu thập được 28 giống (17 giống trong nước và 11 giống nhập nội). Đã khảo nghiệm, đánh giá khả năng sinh trưởng, thích nghi, thời gian chín sớm, muộn và năng suất, chất lượng trong điều kiện có tưới và không tưới của các giống mía trong vườn tập đoàn giống của Lasuco.

2. Dự án đã tuyển chọn được 6 giống mía LS1, LS2, VĐ93-159, VĐ00236, ROC10 và MY55-14 có năng suất, chất lượng tốt phục vụ cho vùng sản xuất mía nguyện liệu của công ty và của tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ phục tráng, chống thoái hoá đối với các giống mía tốt đang trồng rộng rãi tại vùng nguyên liệu Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn. Các giống được công nhận theo quyết định:

1) Giống mía LS2, LS2 là giống mới được Bộ Nong nghiệp công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số 2535/QĐ-BNN-TT ngày 24/ 6 /2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2) Các giống mía VĐ93-159, VĐ00236, ROC10 và MY55-14 được hội đồng cơ sở công nhận là giống đã được tuyển chọn và phục tráng theo Quyết định số 490 QĐ/ĐLS-HĐQT ngày 22 tháng 09 năm 2020 của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn.

3. Dự án hoàn thiện hoàn thiện quy trình công nghệ tế bào nhân mía sạch bệnh và sản xuất giống mía theo quy mô công nghiệp, 02 triệu cây giống/năm. Qui trình đã được công nhận Tiến bộ kỹ thuật cho Quy trình kỹ thuật nhân giống mía sạch bệnh quy mô công nghiệp. Quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là Tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 77/QĐTT-CCN ngày 10/3/2016.

4. Dự án đã xây dựng 3 mô hình sản xuất mía nguyên liệu tổng quy mô diện tích 500 ha vùng có tưới sử dụng các giống mía là VĐ93-159, ROC10, LS1, LS2, My55-14, VĐ00236 tại khu bãi Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, năng suất mía đạt trên 120 tấn/ha, chữ đường trên 12 CCS tại ruộng. Qui trình đã được Bộ Nông nghiệp công nhận theo Quyết định số 295/QĐ-TT-CCN ngày 30/11/2020 của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

5. Dự án đã xây dựng được 02 mô hình với tổng quy mô diện tích 200 ha sản xuất mía nguyên liệu sử dụng các giống mía ROC10, VĐ00236, LS1, VĐ55, QĐ94-119, My55-14 ở vùng không có tưới qui trình năng suất mía đạt trên 80 tấn/ha, chữ đường đạt 13 CCS tại Xuân Châu, Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Quy trình đã được Bộ nông nghiệp công nhận theo Quyết định số 295/QĐ-TTCCN ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

6. Dự án đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng làm chủ các quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất mía bằng công nghệ cao phục vụ Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn.

Như vậy, Dự án đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống mía sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô thực hiện từ khâu đưa mẫu đến nhân giống G1. Hình thành tổ chức hệ thống nhân giống mía sạch bệnh liên hoàn từ pilot nhân giống của công ty cổ phần mía đường Lam Sơn từng bước góp phần hình thành hệ thống nhân giống mía dựa trên qui trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào giúp cung cấp lượng lớn cây giống mía cấy mô đạt tiêu chuẩn cho vùng nguyên liệu mía đường của công ty và tỉnh Thanh Hóa. Phục tráng các giống đang trồng phổ biến trong sản xuất nhưng đã bị nhiễm bệnh hoặc bị thoái hóa qua quá trình nhân giống vô tính lâu dài bằng hom. Tạo nguồn vật liệu sạch bệnh cho vùng nguyên liệu mía đường ở khu vực miền Bắc và miềm Nam thông qua hệ thống giống sạch bệnh 3 cấp (vườn cấp I với giống gốc sạch bệnh, được phục tráng từ cây cấy mô; vườn giống cấp II nhân nhanh bằng đốt mầm hoặc ngọn mầm để sản xuất giống xác nhận; vườn cấp III sản xuất giống thương mại). Cung cấp nhanh các giống mới nhập nội và giống mới chọn tạo nhằm khảo nghiệm, đánh giá và sản xuất thử nhằm thúc đẩy quá trình công nhận giống mới cho sản xuất giống.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18526/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 170
Hôm nay: 3542
Tổng lượt truy cập: 3.269.794
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.