Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-08-2023

Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống sạch bệnh và thâm canh cây có múi quy mô công nghiệp tại vùng Bắc Trung Bộ

Cây cam quýt là một trong những cây trồng chủ yếu trên thế giới bởi giá trị sản phẩm sử dụng như quả cây có múi dùng để ăn tươi, chế biến nước uống, hay chiết xuất tinh dầu... Ở nước ta, cây cam là 1 trong 10 cây ăn quả chủ lực của nước ta (năm 2018 diện tich trồng cam 97,4 nghìn ha, tổng sản lượng là 840,1 nghìn tấn) (Niên giám thống kê, 2018). Trong những năm gần đây tình hình sản xuất cây cam đang mất cân đối về các kỹ thuật, bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ và tình hình dịch bệnh đặc biệt là bệnh greening, tristeza và bệnh vàng lá thối rễ do nhóm nấm Phytophthora và Fusarium gây ra.

Theo khuyến nông Nghệ An, từ năm 2005 - 2013 toàn tỉnh có diện tích cam ổn định là 2400 - 2600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1800 - 2100 ha. Đến năm 2016 diện tích cam lên đến 4.757 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 2.082 ha. Đến năm 2017 tăng lên đến 5.096 ha, trong đó có 2.500 ha cam cho thu hoạch và đến thời điểm hiện tại, rất nhiều diện tích cam đã bị chặt bỏ vì cây bị sâu bệnh, thoái hóa, bệnh vàng lá, thối rễ là nguyên nhân của hơn 1000 ha cam bị chặt bỏ. Huyện Quỳ Hợp, tổng diện tích cam lên đến 2.780 ha, trong đó có 1.227 ha cam cho thu hoạch, năng suất cam đạt bình quân 17,92 tấn/ha, sản lượng 22.000 tấn quả, doanh thu đạt 600 - 700 tỉ đồng, doanh thu trung bình 1 ha cam từ 550 - 570 triệu đồng. Xã Minh Hợp có gần 1.800 ha cam của với 200 hộ dân, là xã có diện tích cam nhiều nhất huyện Quỳ Hợp và nhiều nhất tỉnh. Từ cuối năm 2017 đến năm 2019, nhiều vườn cam bị chặt bỏ. Năm 2017, toàn huyện Quỳ Hợp đã có 2.787 ha cam, chiếm 54,68%, tổng diện tích cam toàn tỉnh và theo quy hoạch đến năm 2020 huyện sẽ có 3.000 ha cam. Nhưng thực tế, đến này, toàn huyện chỉ còn lại 1.300 ha cam còn cho thu hoạch. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 800 ha cam bị chặt bỏ (http://khuyennongnghean.com.vn/trongtrot/nguy-co-vung-cam-vinh-mat-nhieu-dien-ich-488.html). Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An cho biết, về giống đa phần đều do nông dân tự sản xuất hoặc mua trôi nổi, việc quản lý kinh doanh trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trên toàn vùng không có cây giống đầu dòng hay vườn cây cây đầu dòng. Mắt ghép người dân sử dụng chủ yếu được lựa chọn ở các vườn sản xuất.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Bùi Quang Đãng thực hiện nghiên cứu Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống sạch bệnh và thâm canh cây có múi quy mô công nghiệp tại vùng Bắc Trung Bộ với mục tiêu: Áp dụng đồng bộ, có hiệu quả các công nghệ nhân giống sạch bệnh; công nghệ chống tái nhiễm bệnh greening, tristeza; quy trình bón phân kết hợp tưới tiết kiệm và công nghệ bảo quản quả tươi trong sản xuất cây có múi vùng Bắc Trung bộ.

Ở Việt Nam, theo thống kê của FAO (2016) trong tổng sản lượng cây có múi 703.000 tấn, thì cam là 675.000 tấn và các loại khác là 28.000 tấn. Hiện nay diện tích trồng cây ăn quả có múi ngày càng được mở rộng và phát triển ở nhiều tỉnh phía Bắc như Hưng Yên 1.900ha, Hà Giang 1.600 ha, Tuyên Quang 2.700 ha, Nghệ An 2.600 ha, Hà Tĩnh 2.500 ha (Nguyễn Quang Huy, 2012). Riêng ở Hà Nội, diện tích trồng cây bưởi (chủ yếu là bưởi Diễn) là 2.705,99 ha và cam là 746,87 ha. Tại huyện Chương Mỹ diện tích trồng bưởi Diễn đạt 138,49 ha (Chi cục Thống kê tp Hà Nội, 2014). Tại Nghệ An, theo Sở NN và PTNT diện tích trồng cam đến năm 2017 toàn tỉnh là 5.069 ha được tồng tập trung tại các huyện Quỳ hợp (2.628 ha), Nghĩa Đàn (697 ha), Thanh Chương (331 ha), Con Cuông (306 ha), Yên Thành (306 ha), Tân Kỳ (141 ha), Anh Sơn (115 ha)... Diện tích cây cam trồng đạt chuẩn VietGap là 52 ha (huyện Yên Thành có 16 ha cam Xã Đoài, huyện Nghi Lộc có 16 ha cam Xã Đoài và huyện Quỳ Hợp có 20 ha. Tổng diện tích được tưới theo công nghệ cao của Israel (tưới nhỏ giọt là 182 ha tập trung tại huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp). Diện tích trồng cây có múi tính sơ bộ đến năm 2019 là 120 nghìn ha (giảm so với năm 2018 là 120,8 nghìn ha), diện tích cho thu hoạch năm 2019 là 88,1 nghìn ha (cao hơn so với năm 2018 là 77,3 nghìn ha), tuy nhiên sản lượng năm 2019 là 1.230 nghìn tấn (trong khi đó năm 2018 là 1.075 nghìn tấn (Niên giám thống kê năm, 2019).

Cây Cam có giá trị kinh tế cao đã được khẳng định từ lâu nên đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung theo quyết định số 3773/QĐ - UBND ngày 5/8/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Ngoài ra tỉnh còn ban hành một số chủ trương, chính sách, cơ chế để phát triển liên quan đến cây cam (Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 7/7/2014 phê duyệt Đề án “Phát triển cây, con hàng hóa chủ yếu gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định 13 một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An...).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Về hoàn thiện công nghệ

- Hỗn hợp bầu: “Đất nghiền (30%) + Cát vàng 30% + Trấu hun (20%) + Mùn hữu cơ vi sinh (12%), Trichoderma (3%) và super lân (5%)”, cây gốc ghép sau trồng 6 tháng có chiều cao cây đạt 85,7cm, đường kính gốc 0,72 cm, tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn ghép đạt 97,8% và thời gian đạt tiêu chuẩn ghép là 180 ngày, cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Thời vụ ghép thích hợp nhất vào mùa hè (trung tuần tháng 6) đối với việc nhân giống cam Xã Đoài và cam CS1 sạch bệnh có tỷ lệ cây giống loại I đạt tiêu chuẩn xuất vườn 85,5% đối với cam Xã Đoài, 87% đối với cam CS1.

- Dây quấn mắt ghép: Sử dụng quấn mắt ghép bằng dây nilon mềm, mỏng (dài 15cm, rộng 4cm và độ dày 0,02mm); có tỷ lệ bật mầm sau ghép 20 ngày là trên 87%, sau 30 ngày là 90%, thời gian bật lộc 2 là 80 ngày và thời gian ghép đến xuất vườn là 90 ngày.

- Trồng mới cam Xã Đoài và CS1 trên đất chu kỳ 2 từ 2 năm kết hợp với các biện pháp “Xử lý đất trước khi trồng bằng chế phẩm Trichoderma, Bón phân cân đối, bón phân hữu cơ vi sinh 100% kết hợp với rắc hoặc phun Trichoderma 4 - 6 lần/năm, Phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (bảo vệ, các loài thiên địch trong vườn cây ăn quả có múi, phun thuốc trừ sâu hại có nguồn gốc sinh học), và tưới bằng hệ thống tưới tự động, bán tự động kết hợp bón phân” mang lại hiệu quả cao trong phòng chống tái nhiễm các bệnh Greening và Tristeza hại trên cây, bệnh vàng lá thối rễ (do nấm Phytophthora, Fusarium gây) và bệnh do tuyến trùng gây hại rễ trong đất. Đường kính thân cây cam Xã Đoài sau 24 tháng trồng đạt 3,45 cm đến 4,26 cm, cam CS1 đạt 3,62 cm đến 4,32 cm. Tỷ lệ các bệnh (%) Greening và Tristeza là 0,00%, bệnh do nấm Phytophthora 0,00% - 3,33% và bệnh do nấm Fusarium là 3,33%.

- Trong vườn thâm canh công thức thí nghiệm: “Cắt tỉa theo hình khai tâm, xử lý nguồn bệnh trong đất (bằng thuốc Aliette 80WP, nồng độ 40g/16lít), Bón phân cân đối, bón phân hữu cơ vi sinh 100% kết hợp với rắc hoặc phun Trichoderma 4-6 lần/năm, Phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (bảo vệ, các loài thiên địch trong vườn cây ăn quả có múi, phun thuốc trừ sâu hại có nguồn gốc sinh học” mang lại hiệu quả cao trong phòng chống tái nhiễm các bệnh Greening, Tristeza và bệnh vàng lá thối rễ (do nấm Phytophthora, Fusarium gây) hại cây cam Xã Đoài và cam CS1. Sau thí nghiệm 24 tháng, tỷ lệ bệnh Greening, Tristeza và bệnh do nấm Phytophthora đều là 0,00%, bệnh do nấm Fusarium là 3,33%. Năng suất cam Xã Đoài và cam CS1 năm thứ 4 là 28 và 30 tấn/ha và năm thứ 5 là 32 và 35 tấn/ha.

Sản xuẩt thử nghiệm

Về công tác tạo cây So và cây S1: Trong hai năm 2019 – 2020, dự án đã sản xuất được 50 cây So (35 cây cam Xã Đoài, 15 cây cam CS1) và 150 cây S1 (100 cây cam Xã Đoài, 50 cây cam CS1) để phục vụ công tác nhân giống cây có múi sạch bệnh. Tất cả những cây So, S1 đều được lưu giữ trong nhà lưới 3 cấp. Những cây So, S1 đều được giám định bệnh Greening và Tristeza định kỳ 3 tháng/lần.

Sản xuất cây giống sạch bệnh cây cam sạch bệnh bằng hệ thống nhà lưới chống côn trùng cây giống sinh trưởng tốt không nhiễm các loại bệnh nguy hiểm như Greening và Tristeza. Sau 90 ngày cây giống đạt tiêu chuẩn cây giống loại I có chiều cao đạt từ 72,5-75,7 cm, chiều dài cành ghép 45,7- 47,2 cm, đường kính gốc ghép 0,91- 0,92 cm, đường kính cành ghép 0,71- 0,72 cm và số cành cấp I là 2 - 3 cành.

Về công việc sản xuất và chuyển giao cây giống cây có múi sạch bệnh (S2): Dự án đã sản xuất và chuyển giao được 117.000 cây giống cây có múi S2 sạch bệnh (gồm 81.900 cây cam Xã Đoài và 35.100 cây cam CS1 trong hai năm 2019 – 2020 đến các hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Các cây giống đều được sản xuất trong nhà lưới chống côn trùng và đạt tiêu chuẩn cây giống theo TCVN 9203 - 2013.

Dự án đã xây dựng được 10ha mô hình thâm canh cam Xã Đoài và cam CS1 trong hai năm 2019 - 2020 tại Quỳ Hợp - Nghệ An. Có 10 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình. Kết quả các mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất ổn định, không bị nhiễm các loại bệnh hại nguy hiểm là Greening, Tristeza và bệnh vàng lá thối rễ.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18605/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 582
Tổng lượt truy cập: 3.266.835
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.