Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 28-08-2023

Nghiên cứu phát triển hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu tại khu vực duyên hải vùng Bắc Trung Bộ

Thực tiễn quá trình hình thành các thị trường trên thế giới cho thấy hệ thống phân phối nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng là một trong những yếu tố cấu thành không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có hệ thống phân phối hàng hóa. Hiện nay hệ thống bán lẻ Việt Nam đã được hình thành về cơ bản và trong nhiều năm liên tiếp, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn nằm trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Trước nhiều biến động của nền kinh tế thế giới dẫn tới khó khăn của thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa không đơn giản chỉ là một phân khúc thị trường mà còn là “hậu phương” vững chắc, thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại. Trong khi đó, phần lớn dân số Việt Nam hiện nay vẫn tập trung ở khu vực nông thôn, nơi chiếm hơn 60 triệu dân, tương đương khoảng 67% dân số cả nước và riêng dân số vùng BTB khoảng 10,9 triệu người, chiếm 15,5% dân số cả nước. Khu vực nông thôn nói chung và vùng duyên hải BTB nói riêng, đang và sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại, tuy nhiên thị trường này dường như bị các doanh nghiệp thương mại nước ta bỏ ngỏ do chưa thiết lập được hệ thống bán lẻ cố định tại khu vực này. Hiện nay, người tiêu dùng nước ta, đặc biệt khu vực nông thôn chủ yếu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu qua hệ thống chợ và qua các cửa hàng tạp hóa thuộc sở hữu của các hộ gia đình, phát triển một cách tự phát, thiếu sự liên kết.

Tuy nhiên hiện nay, sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ Việt Nam nói chung và vùng duyên hải BTB nói riêng trong thời gian dài diễn ra một cách tự phát, thiếu kế hoạch và sự quản lý, điều hành của Nhà nước còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều mâu thuẫn phát sinlı, những bất ổn về thị trường vẫn còn tiềm ẩn. Hệ thống bán lẻ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, sức mua yếu, hiệu suất thấp, thị trường chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 20% trên cả nước. DNBL có sức cạnh tranh thấp và yếu về nhiều mặt, trong đó có một số điểm yếu cố hữu là: tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, và hậu cần cho hệ thống bán lẻ như kho bảo quản, kho lạnh, xe tải chuyên dụng, mặt bằng kinh doanh... thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ, tính chủ động trong hợp tác, liên doanh liên kết thu mua và tiêu thụ hàng hóa còn rời rạc. Hệ thống lưu thông hàng hóa chưa thực sự hiệu quả, tư duy nhận thức về lĩnh vực phân phối bán lẻ trong cơ chế thị trường hiện nay còn hạn chế. Điều này dẫn đến trong hệ thống bán lẻ tồn tại phổ biến tình trạng hàng hóa được cung ứng với chất lượng kém, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời để hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng phải trải qua rất nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến giá bán cao hơn so với giá trị thực tế... gây ra những bất cập lớn trong hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu (HTBL HTDTY), ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống xã hội. Bản thân các doanh nghiệp triển khai chủ yếu mang tính đơn lẻ, tự phát, có tính chất thăm dò tiềm năng thị trường, thậm chí một số chỉ làm theo phong trào nên đã bộc lộ một số bất cập. Đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa được ví như "buôn chuyến" khi phụ thuộc nhiều vào những hội chợ, phiên chợ nông thôn... theo từng đợt mà chưa có được một kế hoạch bán hàng, liên kết và xây dựng hệ thống phân phối bán hàng cố định và dài hạn.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Bộ Công Thương và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thị Oanh thực hiện Nghiên cứu phát triển hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu tại khu vực duyên hải vùng Bắc Trung Bộ với mục tiêu nhằm đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu tại vùng duyên hải BTB.

Phát triển HTBL HTDTY vùng duyên hải BTB trong điều kiện HNKT quốc tế đặt ra yêu cầu phải mở cửa HTBL HTDTY, hội nhập với HTBL HTDTY toàn cầu. Việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), AFFTA, CPTPP, khối cộng đồng kinh tế ASEAN… mang lại nhiều cơ hội mới để công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực phân phối nói chung và HTBL HTDTY nói riêng là rất lớn nhưng những thách thức mà HTBL HTDTY Việt Nam phải đối mặt cũng gia tăng. Do vậy đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển HTBL HTDTY Việt trong bối cảnh HNKT quốc tế. Với những lý do nêu trên, luận án đã tiến hành nghiên cứu, hệ thống hóa lý luận chung về HTBL HTDTY và phát triển HTBL HTDTY; phân tích đánh giá thực trạng phát triển HTBL HTDTY vùng Bắc Trung Bộ trong thời kỳ hội nhập; và đề xuất phương hướng và giải pháp phát triển HTBL HTDTY vùng Bắc Trung Bộ trong điều kiện HNKT quốc tế.

Những kết quả nghiên cứu chính của đề tài như sau:

- Đề tài đã khái quát hóa những cơ sở lý luận về HTBL HTDTY và phát triển HTBL HTDTY thông qua các việc tìm hiều khái niệm, loại hình bán lẻ, nội dung và tiêu chí phát triển HTBL HTDTY, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của HTBL HTDTY từ đó chỉ rõ vai trò quan trọng của HTBL HTDTY đối với sự phát triển kinh tế-Xã hội nhất là trong bối cảnh HNKT quốc tế. Đồng thời đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm phát triển HTBL HTDTY của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam.

- Đề tài đã đánh giá toàn diện thực trạng phát triển của HTBL HTDTY theo các tiêu chí đánh giá sự phát triển của một HTBL HTDTY thông qua các khía cạnh như: quy mô và mạng lưới HTBL HTDTY. Doanh số và tốc độ tăng trưởng của HTBL HTDTY, năng lực cạnh tranh, sức mua và giá cả và các loại hình thức tổ chức bán lẻ trong HTBL HTDTY vùng Bắc Trung Bộ… trong đó tập trung vào việc nghiên cứu những chuyển biến trong mô hình phát triển của HTBL HTDTY từ truyền thống sang hiện đại, năng lực cạnh tranh của các DNBL trong bối cảnh hội nhập trên cơ sở đó nêu những thành tựu và hạn chế của quá trình phát triển HTBL HTDTY vùng Bắc Trung Bộ trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18732/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 2077
Tổng lượt truy cập: 3.266.149
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.