Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-09-2023

Xây dựng chuỗi giá trị xoài Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu chủ lực

Xoài là cây ăn trái quan trọng, có giá trị kinh tế cao, là một trong những loại cây ăn trái đặc sản ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam cây xoài được trồng từ Bắc đến Nam nhưng tập trung nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tìch 45.053 ha đạt sản lượng 496.359 tấn chiếm 45% diện tìch nhưng chiếm 62% sản lượng xoài cả nước.

Xoài được trồng khá lâu đời nhưng những kỹ thuật thâm canh tăng năng suất chỉ mới được áp dụng trong những năm gần đây. Cây xoài ra hoa theo mùa do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp nên những năm có thời tiết thuận lợi cây xoài sẽ ra hoa nhiều và cho năng suất cao, gây ra hiện tượng “được mùa rớt giá”. Để đảm bảo lợi ìch cho nhà vườn, đồng thời đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu quanh năm, gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển có chủ trương rải vụ xoài. Để đạt được mục tiêu nầy cần phải điều khiển được quá trính ra hoa xoài. Năm 2005, Trần Văn Hâu đã xác định được kỹ thuật căn bản để xử lý ra hoa xoài cát Hòa Lộc ra hoa vụ nghịch là xử lý paclobutrazol (PBZ) bằng cách tưới vào đất với liều lượng 1-2 g a.i./m đường kình tán, 2,5-3 tháng kích thích trổ hoa bằng cách phun Thiourê nồng độ từ 0,3-0,5% hay nitrate kali nồng độ 2-2,5%. Trên xoài cát Chu, Trần Văn Hâu và Lê Thị Thanh Thủy (2008) nhận thấy có thể kích thích trổ hoa sau khi xử lý PBZ từ 45-60 ngày. Do bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết nên thời vụ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất ra hoa rải vụ. Trần Văn Hâu và ctv. (2010) nhận thấy trong vụ nghịch bệnh thán thư và đốm đen vi khuẩn là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất xoài, trong vụ mùa khô thì bọ trĩ là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, vấn đề đậu trái và rụng trái non cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết. Do đó, quy trình xử lý ra hoa rải vụ tùy thuộc vào từng giống và mùa vụ khác nhau. Xuất phát từ những lý do trên, GS. TS. Trần Văn Hâu cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại Học Cần Thơ đã thực hiện đề tài: “Xây dựng chuỗi giá trị xoài Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu chủ lực” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành sản xuất xoài ở vùng Tây Nam bộ; và nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

Nhóm nông dân ngoài hợp tác xã (HTX) có hiệu quả kỹ thuật cao hơn trong cả 3 vụ sản xuất, ngược lại nhóm nông dân trong HTX có hiệu quả kinh tế cao hon trong cả 3 vụ vụ sản xuất.

Đối với xoài cát Hòa Lộc, nhóm nông dân trong HTX có năng suất, giá bán và lợi nhuận cao hơn nhóm nông dân ngoài HTX trong cả 3 vụ sản xuất. Đối với xoài cát Chu, nhóm nông dân trong HTX có giá bán cao hơn nhóm nông dân ngoài HTX trong cả 3 vụ sản xuất, ngược lại nhóm nông dân ngoài HTX có năng xuất xoài cao nhơn nhóm nông dân trong HTX trong cả 3 vụ sản xuất. Nhóm nông dân trong HTX có lợi nhuận cao hơn trong vụ 1 và vụ 2. Đối với xoài Tượng da xanh, nhóm nông dân trong HTX có giá bán cao hơn nhóm nông dân ngoài HTX trong cả 3 vụ sản xuất, ngược lại nhóm nông dân ngoài HTX có năng xuất xoài cao nhơn nhóm nông dân trong HTX trong cả 3 vụ sản xuất. Nhóm nông dân trong HTX có lợi nhuận cao hơn trong vụ 1 và vụ 3.

Kết quả phân tích chuỗi giá trị: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu và xoài Tượng da xanh đều có 5 kênh thị trường (2 kênh nội địa và 3 kênh xuất khẩu). Trong đó, xoài cát Hòa Lộc chủ yếu cung ứng thị trường trong nước, xoài cát Chu đa dạng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xoài Tượng da xanh xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc. Nông dân là tác nhân dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi giá trị (quy mô sản xuất nhỏ).

Nhóm nông dân sản xuất xoài tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị đạt giá bán và lợi nhuận nhóm nông dân không tham giá mô hình trong vụ 1. Tuy nhiên, trong vụ 2 và vụ 3 có giá bán và lợi nhuận thấp hơn do tác động của dịch Covid-19.

Các nhân tố góp phần tạo nên hiệu quả mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gồm: hợp tác, phối hợp và cùng ra quyết định thông qua cải thiện được chất lượng sản phẩm, cải thiện được hiệu quả sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và chủ động trong sản xuất theo thị hiếu thị trường.

Xây dựng quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa bằng hóa chất Uniconazole và nitrate kali trên cây xoài cát Chu và xoài Tượng da xanh có thể thay thế cho paclobutrazol kết hợp với thiourê bao gồm các kỹ thuật chính như sau: Xử lý tạo mầm hoa bằng UCZ nồng độ 1.500 ppm đối với xoài cát Chu hoặc UCZ 1.500 ppm hay UCZ 1,5 g a.i./m đkt đối với xoài Tượng da xanh sau đó kết hợp khoanh thân ở thời điểm 5-7 ngày sau khi xử lý UCZ và kích thích trổ hoa bằng KNO3 3-2% ở giai đoạn từ 45-60 ngày đối với xoài cát Chu và xoài Tượng da xanh ở giai đoạn 60-75 ngày. Tuy nhiên đối với xoài cát Hòa Lộc xử lý tạo mầm hoa bằng UCZ kích thích trổ hoa bằng thiourê 0,5-0,3% ở giai đoạn 60-75 ngày sau khi xử lý UCZ có hiệu quả tốt lên sự ra hoa và năng suất xoài cát Hòa Lộc.

Mô hình quản lý tổng hợp bao gồm: Bón phân theo công thức phân từng giai đoạn: Sau thu hoạch NPK 28-21-14 + 7,5 kg HC; 30 ngày SKXL UCZ NPK 7-21-14; Phát hoa 5 cm NPK 14-14-14; 30 ngày SKĐT NPK 14- 14-14; 60 ngày SKĐT NPK 14-14-21 kết hợp quản lý phòng trừ sâu, bệnh hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển cây xoài. Đặc biệt, giai đoạn 35-40 ngày SKĐT tiến hành bao trái xoài để đảm bảo hơn về chất lượng để đáp ứng với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về quy trình bảo quản trái xoài cát Hòa Lộc, thời điểm thu hoạch thích hợp là 85-90 ngày sau khi đậu trái; sau khi thu hoạch, có thể bảo quản trái bằng cách ngâm nước nóng ở 55oC trong 5 phút hoặc xông bằng hơi nước nóng ở 47oC trong 20 phút; sau khi đóng gói, bảo quản trái ở 12oC, độ ẩm không khí 85-90% RH. Thời gian bảo quản trái tối đa đạt khoảng 30 ngày.

Về quy trình chế biến nước xoài đóng hộp, kết quả phân tích thành phần hợp chất bay hơi trong nước xoài bằng kỹ thuật sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) ở các công đoạn (i) chần nguyên liệu (ở nhiệt độ 85oC đến khi vô hoạt hoàn toàn enzyme gây hóa nâu), và (ii) thanh trùng (ở nhiệt độ 90oC với giá trị thanh trùng PU thực tế đạt lớn hơn PU yêu cầu) đã giúp khẳng định các thông số công nghệ ở hai công đoạn quan trọng này. Trên cơ sở đó quy trình công nghệ chế biến sản phẩm nước xoài đóng hộp hoàn thiện được thiết lập.

Đề tài góp phần đảm bảo chính sách sản xuất lớn, hiệu quả, bền vững và cạnh tranh. Bên cạnh đó, gia tăng giá trị sản phẩm xoài, càng làm cho tính ổn định xã hội nông thôn được nâng cao, gián tiếp đóng góp vào sự thịnh vượng nông thôn cũng như hỗ trợ tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18788/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1438
Tổng lượt truy cập: 3.265.510
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.