Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 13-10-2023

Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển

Vùng biển Tây Nam Bộ là một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao, nguồn lợi phong phú với nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế như cá mú, cá hồng, cá kẽm, cá cơm, tôm vằn, mực ống, mực nang, bạch tuộc, ghẹ xanh, cá ngựa… Tiềm năng cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế thủy sản ở đây rất lớn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc đầu tư cho nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi sinh vật và đa dạng sinh học ở vùng biển này chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. So với các vùng biển khác của Việt Nam thì vùng biển này được điều tra, nghiên cứu ít hơn và rời rạc hơn. Do đó, thông tin về hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển nói chung và nguồn lợi hải sản nói riêng chưa được đánh giá đầy đủ và chưa cập nhật. Cho đến nay, nhiều nhóm nguồn lợi ở vùng biển Tây Nam Bộ vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ như nguồn lợi tôm, cua ghẹ, mực ống, mực nang, bạch tuộc, mặc dù đây là những đối tượng có giá trị kinh tế cao và tiềm năng khai thác, sử dụng rất lớn.

Các hệ sinh thái biển điển hình ở vùng biển ven bờ, ven đảo như rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, vùng triều và cửa sông ở vùng biển Tây Nam Bộ có mức độ đa dạng sinh học cao, nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái này rất phong phú. Ngoài ra, trong và xung quanh các hệ sinh thái còn là nơi sinh cư, bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài thủy hải sản, có vai trò quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi cho vùng biển Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các nghiên cứu đối với các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái ở đây chưa được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu mà chỉ được thực hiện đơn lẻ ở một số đối tượng nhất định. Do đó, khi thực hiện quy hoạch khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thì thông tin tổng thể về đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản thường không đầy đủ.

Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ đã và đang diễn ra với cường độ cao, áp lực của hoạt động khai thác lên nguồn lợi rất lớn. Nguồn lợi sinh vật là nguồn lợi có thể tái tạo tuy nhiên nếu không có chiến lược quản lý tốt thì sự cân bằng nguồn lợi có thể bị phá vỡ, đa dạng sinh học bị suy thoái và sự suy giảm nguồn lợi là điều không thể tránh khỏi.

Để bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi hải sản hướng tới phát triển nghề cá bền vững và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thì cần có cơ sở khoa học vững chắc, dựa trên những thông tin khoa học đầy đủ. Đó là nền tảng để quy hoạch và phát triển kinh tế thủy sản, kinh tế sinh thái là cơ sở để định hướng sản xuất phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng hiện có mà vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển nguồn lợi và đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ sang các thị trường quốc tế đã và đang gặp những rào cản thương mại do không có đầy đủ thông tin cần thiết về hiện trạng nguồn lợi ngoài tự nhiên và nguồn gốc các sản phẩm khai thác từ biển dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trưởng bị ảnh hưởng.

Xuất phát từ thực tiễn trên, đề tài “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” do TS. Nguyễn Khắc Bát làm Chủ nhiệm, Viện nghiên cứu Hải sản chủ trì, đã được thực hiên với mục tiêu: Xác lập được cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) về đa dạng sinh học, nguồn lợi và môi trường ở vùng biển Tây Nam Bộ; Đề xuất được các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ; Xây dựng được mô hình sử dụng hợp lý đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng.

Vùng biển Tây Nam Bộ, so với các vùng biển khác ở Việt Nam thì vùng biển này ít được điều tra nghiên cứu hơn. Các chương trình điều tra, nghiên cứu chủ yếu được thực hiện từ năm 2000 trở lại đây, tuy nhiên đối tượng và phạm vi nghiên cứu còn chưa đồng bộ, chưa mang tính tổng thể và thường bị gián đoạn theo thời gian, do đó bức tranh toàn diện về thực trạng nguồn lợi sinh vật biển chưa được phản ánh rõ nét. Rất nhiều đối tượng nguồn lợi có giá trị kinh tế chưa được nghiên cứu, đánh giá như ghẹ xanh, mực nang, bạch tuộc, cá ngựa, hải sâm… Các đối tượng khai thác truyền thống như cá biển, tôm biển, động vật chân đầu đã được điều tra, đánh giá nhưng không được cập nhật thường xuyên mặc dù hoạt động khai thác ở khu vực này rất sôi động và áp lực khai thác liên tục gia tăng. Các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái hiện nay đang bị đe dọa trước tác động của khai thác quá mức, các hoạt động kinh tế làm cho diện tích, độ phủ bị thu hẹp. Môi trường biển ở vùng biển ven bờ, ven đảo bị ô nhiễm do hoạt động nuôi thủy sản phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Trước thực trạng đó, để định hướng sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật ở vùng biển Tây Nam Bộ thì cơ sở khoa học nền tảng về hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, hoạt động khai thác và các yếu tố môi trường, hải dượng học là hết sức cần thiết vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững của hàng triệu ngư dân ven biển sống dựa vào hoạt động khai thác thủy hải sản đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo ở vùng biển này.

Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm theo đặt hàng, gồm 09 sản phẩm chính theo đặt hàng, 8 bài báo trên tạp chí khoa học; 2 bài báo khoa học trong kỷ yếu hội thảo toàn quốc, 1 sách chuyên khảo bằng tiếng Anh, góp phần đào tạo 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ.

- Về khoa học

Đã đưa ra danh mục loài hải sản gồm 2.331 loài sinh vật bắt gặp trong các hệ sinh thái ven biển, ven đảo và vùng biển Tây Nam Bộ. Trong đó, có 121 loài thực vật ngập mặn, 268 loài thực vật phù du, 146 loài động vật phù du, 640 loài cá, 212 loài chân bụng, 221 loài giáp xác, 163 loài hai mảnh vỏ, 43 loài động vật chân đầu, 9 loài cỏ biển, 161 loài rong biển, 254 loài san hô, 81 loài hải miên và 13 loài hải sản khác trong các hệ sinh thái ven biển, ven đảo là hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bồi - vùng triều - cửa sông, rạn san hô, cỏ biển và vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái. Đã xác định được 46 loài sinh vật nằm trong danh mục loài quý hiếm, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng theo sách đỏ IUCN, gồm 01 loài ở mức nguy cấp CR; 7 loài ở mức EN; 33 loài ở mức VU.

Đã đánh giá được trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ, khoảng 618 - 721 ngàn tấn, gồm 108 - 126 ngàn tấn ở các hệ sinh thái ven biển, ven đảo (17,54%) và 510-594 ngàn tấn ở vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái (82,46%).

Đã xác định được sản lượng và cường lực khai thác của các đội tàu tỉnh Cà Mau và Kiên Giang gồm sản lượng khai thác trong vùng biển Tây Nam Bộ khoảng 465-513 ngàn 54 tấn (chiếm 66-70%) và khai thác ở các vùng biển lân cận khoảng 125 - 198 ngàn tấn (chiếm 30-34%).

Đã xây dựng được 6 luận cứ khoa học về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản và 5 luận cứ thực tiễn về hoạt động nghề cá ở vùng biển Tây Nam Bộ, làm căn cứ để đề xuất giải pháp khai thác tài nguyên phù hợp với tiềm năng.

Đã xây dựng cơ sở khoa học để đề xuất thành lập 1 khu bảo tồn biển ở Nam Du và 2 khu bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở mũi Cà Mau và khu vực Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18775/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 1435
Tổng lượt truy cập: 3.263.675
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.