Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 19-10-2023

Nghiên cứu chọn tạo giống ngô có năng suất chất xanh và chất lượng cao làm thức ăn gia súc

Chăn nuôi và trồng trọt là hai thành tố chính của nền nông nghiệp, là nhân tố quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển tỷ lệ tăng trưởng cao, đáp ứng được đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp và sinh thái; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm.

Lĩnh vực chăn nuôi được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua việc sửa đổi và ban hành mới các chủ trương, chính sách nhằm định hướng và tạo ra những cơ chế khuyến khích để ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng. Theo thống kê giai đoạn 2015 - 2018 đàn bò tăng trưởng hàng năm từ 2,4 - 2,9% trong khi đàn trâu có xu hướng giảm từ 0,2 - 2,7%. Trong giai đoạn này nhìn chung đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt ở cả hai mặt hàng bò thịt và bò sữa. Tính đến tháng 10/2018, đàn bò Việt Nam có khoảng 5,8 triệu con và đàn trâu có 2,4 triệu con. Trong năm 2019 mặc dù đàn trâu cả nước giảm 3,1% nhưng sản lượng thịt đạt 95,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước (tháng 12/2018); Đàn bò tăng 2,4% với sản lượng thịt đạt 349,2 nghìn tấn, tăng 4,4%, sản lượng sữa đạt 1.029,6 nghìn tấn, tăng 10% (Tổng cục thống kê, 2019). Tuy nhiên, do môi trường chăn thả ngày càng bị thu hẹp, nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi tại hầu hết các địa phương nên để đảm bảo đàn gia súc tăng trưởng ổn định cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao các hộ chăn nuôi phải nhập khẩu cỏ khô để bổ sung nguồn thức ăn thô cho trâu bò đặc biệt là bò sữa.

Như vậy, khi chăn nuôi trở thành một trong những hoạt động sản xuất nông nghiệp chính, tập trung với qui mô lớn thì việc cấp thiết là cần phải qui hoạch các vùng trồng cây thức ăn gia súc tập trung và thúc đẩy các hoạt động chế biến thức ăn chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn ổn định, không phụ thuộc vào mùa vụ và thời tiết. Đồng thời, chú trọng phát triển các nghiên cứu về cây thức ăn gia súc có nhiều tiềm năng sử dụng cho chăn nuôi. Ngô là loại cây trồng có nhiều tiềm năng sử dụng cho chăn nuôi. Ngô hạt chiếm đến 70% thành phần thức ăn tinh trong chế biến thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó cây ngô còn là một trong những cây trồng lý tưởng, giàu dinh dưỡng có thể sử dụng sinh khối chất xanh làm thức ăn cho gia súc. Trong thực tế hiện nay, một số vùng đã trồng ngô làm thức ăn xanh, thức ăn ủ chua cho gia súc đặc biệt là cho đàn bò sữa và bò thịt như ở vùng đồng bằng sông Hồng (Thái Bình, Hà Nội...), Trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình...), Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An...), Đông Nam bộ (Đồng Nai)... Một số doanh nghiệp sữa như Vinamilk, TH Truemilk, Mộc Châu milk, công ty CP Sữa quốc tế IDP, công ty FrieslandCampina Việt Nam (nhãn sữa Cô gái Hà Lan)... đã quy hoạch vùng nguyên liệu trồng ngô làm thức ăn xanh trong các trang trại. Các doanh nghiệp này cũng như nông dân ở nhiều vùng khác nhau chủ yếu sử dụng các giống ngô 2 lai lấy hạt phổ biến trong sản xuất hiện nay như NK67, NK7328, LCH9, P4199... để trồng với mục đích làm thức ăn thô xanh cho chăn nuôi. Trước hiện trạng về thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn xanh cho gia súc nói riêng, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,4 - 1,5 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả (ở khu vực miền Bắc và miền Trung) sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ Đông Xuân sang chuyên canh ngô. Về thức ăn xanh cho đại gia súc, các địa phương có nhu cầu thức ăn xanh sẽ mở rộng diện tích trồng ngô ở vùng miền núi, nơi hoang hóa, tận dụng triệt để đất lúa, đất rừng kém hiệu quả. Thức ăn xanh có thể đa dạng hóa từ trồng ngô dày, ngô nếp, ngô rau, sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn hoặc đưa công nghệ chế biến thân ngô làm thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi bò sữa, đại gia súc. Ngoài những giải pháp về cơ chế, chính sách thì việc nghiên cứu chọn tạo các giống ngô phù hợp (có sinh khối lớn, chất lượng cao...) và các biện pháp kỹ thuật canh tác hiệu quả cũng có thể góp phần tăng năng suất và chất lượng của ngô sử dụng làm thức ăn xanh.

Xuất phát từ những lý do trên, đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống ngô có năng suất chất xanh và chất lượng cao làm thức ăn gia súc” do TS. Ngô Thị Minh Tâm làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chủ trì, đã được thực hiện từ năm 2016.

TS. Ngô Thị Minh Tâm và các cộng sự đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đảm bảo tiến độ, sản phẩm khoa học đáp ứng được yêu cầu đặt hàng và hợp đồng nghiên cứu khoa học. Đã tạo ra 9 dòng ngô mới (gồm 6 dòng tự phối, 3 dòng đơn bội kép) từ các nguồn vật liệu khác nhau là SK2-VNX16, SK5-VNX16, SK11-VNT16, SK12-VNX17, SK2, SK5, CN3/B16-16, CN4/B16-17, CN7/B17-5 có các đặc điểm nông sinh học phù hợp cho mục tiêu lai tạo giống ngô thu sinh khối. Các dòng này tham gia là dòng bố/mẹ của 2 giống ngô sinh khối mới và một số tổ hợp lai triển vọng.

Đã tạo ra 02 giống ngô mới VN172 và MN2 được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử từ năm 2019 và xác định được 7 tổ hợp lai triển vọng là ĐH17-5, HG17-1, CN18-7, CN19-10, CN19-11, K09 x SSC601.4, N4 x SSC601.2 có năng suất chất xanh đạt trên 50 tấn/ha, chất lượng chất xanh cao.

Đã xây dựng được 01 quy trình kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 cho giống ngô VN172, 02 quy trình kỹ thuật canh tác cho 2 giống ngô mới VN172 và MN2;  xây dựng được 02 mô hình sản xuất thử nghiệm hạt lai F1 giống ngô VN172 và MN2, quy mô 0,5 ha/mô hình, năng suất hạt F1 đạt trên 2,5 tấn/ha; 04 mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô mới, 2 ha/mô hình, trong đó 02 mô hình giống VN172 ở phía Bắc và 02 mô hình giống MN2 ở phía Nam, năng suất chất xanh của các mô hình đạt 53,0 - 76,2 tấn/ha. Các mô hình có tính đại diện và thuyết phục cao.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1328
Tổng lượt truy cập: 3.263.568
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.