Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-01-2024

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trang trại nuôi vịt, ngan

Việt Nam là một nước có số lượng vịt đứng thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc). Điều đó chứng tỏ nghề chăn nuôi vịt ở nước ta phát triển khá mạnh mẽ và đóng góp một phần không nhỏ vào thu nhập của người chăn nuôi.

 

Năm 2001 tổng đàn thuỷ cầm là 57,9 triệu con, năm 2003 là 69,9 triệu con, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm năm 2004 chỉ còn: 59 triệu con, Do dịch cúm gia cầm có xu hướng bùng phát mạnh trên đàn thủy cầm nên Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo gắt gao thực hiện việc không cho phép ấp nở, tăng đàn thủy cầm trong hai năm từ tháng 2/2005 đến tháng 2/2007. Nhưng đàn thủy cầm vẫn phát triển mạnh. Cụ thể năm 2005 đàn vịt cả nước là 59,9 triệu con tăng 1,5% so với năm trước. Năm 2006: 62,6 triệu con tăng 4,5%. Năm 2011 tổng đàn thủy cầm đã hơn 78 triệu con (Cục chăn nuôi). Trong những năm gần đây số lượng vịt, ngan nuôi ngày càng tăng lên do nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn. Nếu theo như công thức tính lượng phân thải ra của 1 gia cầm là: (khối lượng nước + khối lượng cám): 2 thì lượng phân thải của việc chăn nuôi thủy cầm không phải là nhỏ, trong khi đó hiện nay chúng ta chưa có riêng một quy trình chuẩn để xử lý phân vịt, ngan, đặc biệt đối với hình thức chăn nuôi trang trại (>2000 con/trại) việc xử lý phân là rất cần thiết.

Từ nhiều năm nay, chăn nuôi vịt mang lại nhiều việc làm và là nguồn kinh tế quan trọng của hàng triệu hộ nông dân, nhiều trang trại đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (24,6 triệu con) và đồng bằng sông Hồng (17,6 triệu con), hai đồng bằng này số lượng vịt chiếm 61,1% tổng đàn vịt cả nước (Đinh Xuân Tùng, 2008).

Chăn nuôi phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc chất thải trong chăn nuôi cũng tăng cao. Thực tế hiện nay cho thấy việc xử lý phân thủy cầm chưa được chú trọng vì vậy vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vịt, ngan phải được giải quyết triệt để. Ô nhiễm môi trường chăn nuôi trang trại chủ yếu từ các nguồn: nước thải chăn nuôi, chất thải rắn, bụi, tiếng ồn, xác gia cầm chết chôn lấp không đúng kỹ thuật...trong đó nguồn ô nhiễm chính là từ các chất thải rắn và lỏng có chứa nhiều Nitơ, photpho, và một số chất hữu cơ khác. Các chất này, trong quá trình phân hủy sẽ giải phóng các chất dễ bay hơi và các hợp chất hữu cơ ra môi trường (nước, không khí, đất). Ngoài ra trong chất thải rắn, lỏng chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh, trứng giun sán, hàm lượng BOD, COD cao nếu không có biện pháp thu gom và xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn gây ô nhiễm môi trường xung quanh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và vật nuôi. Đặc biệt là virus cúm gia cầm có thể gây thành dịch bệnh lây lan nhanh nếu không kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn môi trường chăn nuôi. Ngoài ra các chất thải khí cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và sức khỏe gia cầm và người chăn nuôi.

Nuôi ngan, vịt trang trại hiện nay theo một số phương thức sau: nuôi nhốt hoàn toàn, nuôi bán chăn thả có ao hồ và nuôi nhốt có bể tắm hoặc nuôi thả trên hồ, ao vì 4 vậy chất thải của chúng bao gồm chất thải khô và chất thải lỏng từ rửa chuồng trại và phân của chúng thải ra. Việc xử lý chất thải khô chủ yếu là sử dụng phương pháp ủ đánh đống hoặc đóng vào bao tải sau đó sử dụng làm phân bón, thậm chí là sử dụng làm phân bón ngay mà không có biện pháp xử lý. Còn chất thải lỏng được xả thẳng xuống ao, hồ mà không được xử lý, hoặc nếu có được xử lý cũng rất sơ sài như để cho chất thải lỏng chảy qua hố ga rồi chảy xuống hồ, ao.

Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Nguyễn Thị Nga cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi đã thực hiện nghiên cứu “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trang trại nuôi vịt, ngan” với mục tiêu: Làm rõ thực trạng ô nhiễm môi trường và xử lý chất thải trong trang trại chăn nuôi vịt, ngan; Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Chất thải trong chăn nuôi thường có ở 3 dạng: rắn, lỏng và khí. Chất thải rắn (khô) bao gồm phân, chất độn chuồng, lông, vỏ trứng sau khi ấp. Chất thải lỏng bao gồm phân lẫn nước thải khi rửa chuồng trại, sân chơi và nước rửa dụng cụ chăn nuôi. Chất thải khí: chủ yếu là CH4, N2O, CO2, NH3, H2S.

Chất thải chăn nuôi là nơi chứa mầm bệnh, các chất hữu cơ, các chất chứa ni-tơ và axit phốt-pho-ric, kim loại nặng…, do đó chúng có thể gây ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt lẫn nước ngầm. Chất thải từ hệ thống chăn nuôi quy mô lớn gây tích tụ khoáng chất trong đất và nước, gây ô nhiễm môi trường cũng như phát thải mùi vượt quá khả năng chịu đựng của con người (Jongbloed và Lenis, 1998). Hơn thế nữa các hợp chất phát thải từ chất thải của gia súc, gia cầm có thể gây nên các bệnh nguy hiểm cho con người, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp (Donham, 2000; 1998; Iverson và cs., 2000). Các hợp chất gây ô nhiễm môi trường và phát thải mùi được sản sinh do quá tŕnh chuyển hóa thức ăn bởi vi sinh vật trong ruột già và quá trình chuyển hóa các tiền chất gây ô nhiễm môi trường và mùi trong phân và nước tiểu bởi vi sinh vật. Protein và các carbohydrates có khả năng lên men là các tiền chất chủ yếu cho việc sản xuất các chất có khả năng ô nhiễm môi trường và gây mùi (Le và cs., 2005; Mackie và cs., 1998). Các hợp chất gây mùi và ô nhiễm môi trường là tập hợp phức tạp các chất bay hơi khác nhau. Các chất đó có thể được phân chia thành 4 nhóm chính: (1) các hợp chất có chứa S, (2) các hợp chất indoles và phenols, (3) các axit béo bay hơi và (4) amonia và các amine bay hơi (Le và cs., 2005; Schiffman và cs., 2001). Trong đó ammonia là hợp chất gây ô nhiễm môi trường và có khả năng làm mất cân bằng hệ sinh thái, đặc biệt là đất và nước.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Phương thức chăn nuôi vịt, ngan ở cả 2 miền chủ yếu là nuôi kết hợp giữa nuôi trên cạn và thả trên hồ ao, sông ngòi

Các trang trại chăn nuôi vịt, ngan đều có tổng diện tích tương đối lớn. Ở miền bắc tổng diện tích của trang trại lớn hơn so với 2 tỉnh miền nam. Ở Hải dương là 11.189 m2 còn ở Hà nam là 9.459 m2 , ở miền nam từ 2635 m2 - 3642 m2 . Diện tích ao hồ chiếm phần lớn trong tổng diện tích của khu chăn nuôi, 2 tỉnh có diện tích ao hồ để chăn nuôi vịt lớn là Hà nam và Long an (2402 m2 và 2446 m2 ) còn 2 tỉnh có diện tích ao hồ ít hơn là Hải dương và Tiền giang. Ở Tiền giang diện tích ao hồ ít hơn vì hầu hết các trang trại chăn nuôi vịt thường được thả trên sông, tận dụng nguồn nước mặt sẵn có. Các trang trại đều ở khá xa khu dân cư từ 0,85km đến 1,9 km.

Chuồng nuôi vịt ở 2 tỉnh phía nam đều được xây dựng sơ sài, còn ở miền bắc được xây dựng kiên cố hơn.

Hầu hết các trang trại không có khu xử lý chất thải riêng biệt, phân vịt trong chuồng nuôi thường được đưa thẳng ra ruộng, vườn để trong bao chất thành đống sau đó để làm phân bón hoặc thải trực tiếp vào ao cá hoặc cho thải ra môi trường sau đó chảy ra kênh rạch.

Trang trại thả vịt trên ao, hồ đều nuôi cá để sử dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi vịt làm thức ăn cho cá và các trang trại chăn nuôi vịt đều xử lý chất thải lỏng bằng cách thải trực tiếp vào ao nuôi cá mà không qua xử lý.

Hàm lượng khí NH3 và H2S ở trong chuồng nuôi vịt ngan ở 2 tỉnh miền bắc đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhưng ở 2 tỉnh miền nam đều dưới ngưỡng cho phép nhưng các chỉ tiêu về vi sinh vật thì 2 tỉnh miền nam lại cao hơn 2 tỉnh miền bắc là do chuồng trại và cách xử lý phân của 2 miền là khác biệt nhau.

Ở 2 tỉnh miền nam các chỉ tiêu về nước thải như BOD, COD, NO3, ni tơ, phospho, độ pH đều dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhưng các chỉ tiêu về vi khuẩn như coliform và coli phân đều vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Ở 2 tỉnh miền bắc các chỉ tiêu về nước thải như BOD, COD, nito tổng số, phospho tổng số đều vượt quá ngưỡng cho phép nhưng các chỉ tiêu về vi khuẩn lại dưới ngưỡng cho phép.

Như vậy, giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vịt, ngan ở hai miền cần tập trung vào các khâu khác nhau. Ở các tỉnh phía Nam cần chú ý biện pháp giảm thiểu vi khuẩn như coliform và coli phân, còn các tỉnh phía Bắc cần chú ý biện pháp giảm thiểu BOD, COD, nito tổng số, phospho trong nước thải.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19283/2013) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 1586
Tổng lượt truy cập: 3.262.110
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.