Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-01-2024

Nghiên cứu xây dựng bộ quy trình tưới hợp lý kết hợp bón phân cho một số cây trồng chủ lực

Trong những năm gần đây, do sự biến động của thời tiết, khí hậu, tình trạng hạn hán đã xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hạn mặn liên tục xảy ra ở các khu vực Tây Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long mức độ và tần suất hạn hán ngày càng gia tăng. Tập quán canh tác, sự hiểu biết còn hạn chế về kỹ thuật nông nghiệp, chế độ tưới, kỹ thuật tưới, tiêu theo yêu cầu của cây trồng trong từng thời đoạn sinh trưởng đã dẫn đến việc sử dụng nước rất lãng phí. Bên cạnh đó dư địa cho đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ngày càng hạn chế. Vì vậy, vấn đề cần phải sử dụng nước làm sao cho hiệu quả, đặc biệt sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đang ngày được quan tâm nhiều hơn.

Việc nghiên cứu xây dựng các quy trình chế độ và kỹ thuật tưới kết hợp với giải pháp canh tác tiên tiến cho cây trồng là hết sức quan trọng. Sử dụng nước tưới hợp lý không chỉ giúp tiết kiệm nước, tăng hiệu quả đầu tư của hệ thống công trình thủy lợi, giảm rủi ro trong sản xuất mà còn giúp áp dụng đồng bộ các công nghệ tiên tiến trong tưới nước, kết hợp canh tác, bón phân… tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, chi phí thấp hơn giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Hùng tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng bộ quy trình tưới hợp lý kết hợp bón phân cho một số cây trồng chủ lực” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xây dựng được bộ 8 quy trình (chế độ, kỹ thuật) tưới hợp lý kết hợp bón phân cho 08 cây trồng chủ lực (cà phê chè, cao su, chè, dứa, cam, bưởi, thanh long, chuối); xây dựng được quy trình (chế độ, kỹ thuật) tưới kết hợp một số biện pháp canh tác tiên tiến cho cây xoài vùng Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ để nâng cao hiệu quả tưới nước, hướng tới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thiết kế mẫu bố trí tổng thể đồng ruộng, tích hợp đồng bộ hệ thống thiết bị phù hợp với quy trình công nghệ tưới kết hợp bón phân cho 09 cây chủ lực theo điều kiện canh tác, đặc trưng của từng vùng; và xây dựng được sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thực hành bố trí đồng ruộng, tích hợp công nghệ thiết bị tưới, chế độ tưới, kỹ thuật tưới nước kết hợp bón phân cho 9 cây trồng chủ lực.

Đề tài đã thu được các kết quả chính như sau:

- Đã xây dựng bộ quy trình (chế độ, kỹ thuật) tưới hợp lý kết hợp bón phân cho cho 08 cây trồng chủ lực: cà phê chè (Tây Nguyên), cao su (Đông Nam Bộ), chè (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên), dứa (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ), xoài (Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), cam (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ), bưởi (miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ), thanh long (Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), chuối (Miền núi Phía Bắc, Tây Nam Bộ);

- Đã xây dựng Quy trình (chế độ, kỹ thuật) tưới kết hợp một số biện pháp canh tác tiên tiến cho cây xoài vùng Nam Trung Bộ trong điều kiện hạn hán và Tây Nam Bộ trong điều kiện hạn mặn;

- Đã xây dựng 14 mô hình khảo nghiệm chế độ tưới và kỹ thuật tưới tại vườn các hộ dân/doanh nghiệp sản xuất của 9 cây trồng chủ lực trên cả nước.

- Đã áp dụng công nghệ đo tự động các thông số về độ ẩm, EC, pH và khí tượng (mưa, bốc hơi, nắng, gió,…). Tất cả các thông số này được cập nhật theo thời gian thực và kết nối, xử lý qua điện toán đám mây (IoT, IA,..), như vậy quyết định tưới cho cây trồng sẽ được kịp thời, tránh được độ trễ về thời gian so với các biện pháp khảo nghiệm tưới truyền thống (thường sau một ngày mới biết kết quả). Đây là những bước đi ban đầu trong việc áp dụng công nghệ trong công tác tưới cho cây trồng, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo của cuộc cách mạng 4.0 trong nông nghiệp Việt Nam.

Các kết quả của đề tài giúp người dân cải thiện thu nhập do năng suất cây trồng tăng, giảm nhân công, giảm lượng phân bón...Về khía cạnh môi trường, khi áp dụng quy trình này sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường. Với những vùng trồng có khai thác nước ngầm để tưới, việc giảm tối thiểu 30% lượng nước tưới, có tác dụng đảm bảo tính bền vững nguồn nước ngầm. Việc giảm được lượng phân vô cơ khi áp dụng quy trình này để bón qua hệ thống tưới sẽ giảm được lượng phân bón dư thừa, dẫn đến giảm ô nhiễm nguồn nước mặt/ngầm, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu thoái hóa đất

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19585/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 25
Hôm nay: 245
Tổng lượt truy cập: 3.262.485
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.