Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-05-2024

Nghiên cứu sản xuất thức ăn chất lượng cao nâng cao hiệu quả nuôi và chất lượng fillet cá tra

Nghề nuôi và phát triển cá tra ở nước ta đã liên tục phát triển trong hơn 20 năm qua với sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Các nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn cho cá Tra đã đóng góp những thành tựu nhất định trong việc phát triển loài thủy sản có giá trị kinh tế cao này. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến dinh dưỡng, xây dựng công thức thức ăn, công nghệ sản xuất thức ăn cho cá nhưng cho đến nay, các thông tin về nhu cầu dinh dưỡng cho cá Tra còn khá ít ỏi, các nghiên cứu thưởng tập trung vào việc nâng cao sản lượng cá nuôi hơn khía cạnh nâng cao chất lượng cơ thịt cá. Hiện trạng thị trường tiêu thụ fillet cá Tra trên thế giới cho thấy nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu fillet cá tra đối với mặt hàng cá Tra chất lượng cao. So với các loài cá khác như cá hồi, cá chẽm, tỷ lệ các acid béo có giá trị cao như HUFA (acid béo cao không no mạch dài), PUFA (acid béo không bão hòa đa nối đôi), omega-3 chứa ở fillet cá Tra là khá thấp. Giá cá Tra cũng thấp hơn nhiều so với các loài cá da trơn khác và cá nước ngọt trên thị trường tiêu thụ. Ngoài ra cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào liên quan đến tăng cường các acid béo giá có giá trị cao (HUFA, PUFA, Omega-3) trong cơ thịt cá Tra. Vì vậy, trên cơ sở tiếp cận một cách có hệ thống các cơ sở khoa học trong việc nâng cao chất lượng chất béo có giá trị cao trong fillet cá Tra; kế thừa và ứng dụng các thành tựu đạt được đối với nghiên cứu dinh dưỡng cá Tra trong những năm qua. Việc tiếp cận xây dựng công thức thức ăn cho cá Tra theo hướng nâng cao chất lượng các acid béo giá trị cao PUFAs, HUFA và Omega-3 là khá mới mẻ, tuy nhiên giá trị thực tiễn trong mối liên hệ đến tăng trưởng, sức khỏe, chất lượng fillet của cá và hàm lượng các acid béo thiết yếu đối với sức khỏe con người là khá rõ ràng.

 

Nhằm nâng cao tăng trưởng và tích lũy HUFA trong cơ thịt cá Tra. Cụ thể: giảm hệ số FCR 5%, giảm thời gian nuôi 5%, tăng HUFA trong thịt fillet cá Tra (hướng tới 150 mg HUFA/100 g fillet, TS. Nguyễn Văn Nguyện cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất thức ăn chất lượng cao nâng cao hiệu quả nuôi và chất lượng fillet cá Tra”

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm đề tài đưa ra kết luận như sau:

- Bột cá, khô đậu nành, bã cải (canola) là nguồn nguyên liệu cung cấp protein; cám gạo trích ly và lúa mì nguyên hạt cung cấp protein và carbohydrate; cám gạo tươi, khoai mì lát cung cấp lipid và carbohydrate chính. Các loại dầu và nguyên liệu giàu chất béo, dầu cọ có hàm lượng acid béo no cao nhất, dầu cá hồi và dầu cá mòi chứa hàm lượng cao HUFA, trong khi đó, các loại dầu thực vật không chứa HUFA.

- Các thức ăn bổ sung như premix khoáng, vitamin, lysin và methionine là những nguyên liệu cần thiết để thiết lập công thức ăn đáp ứng nhu cầu dinh 16 dưỡng cho các Tra ở các giai đoạn phát triển nhằm nâng cao tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn và chất lượng fillet. Lactobacuillus plantarum xử lý nhiệt và beta-glucan là những nguyên liệu hữu ích nhằm nâng cao tăng trưởng và sức khỏe của cá ở các giai đoạn phát triển.

- Đã xác định được các chế độ công nghệ nghiền, trộn, sấy, áo dầu và xây dựng được qui trình công nghệ sản xuất thức ăn nâng cao tăng trưởng và tăng cường HUFA cơ thịt cá.

- Xây dựng được bộ công thức thức ăn cho cá Tra ở các giai đoạn phát triển đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10300:2014 về thức ăn hỗn hợp cho cá Tra, nâng cao tăng trưởng và tăng cường hàm lượng HUFA, Omega -3 trong fillet cá Tra hướng tới 150 mg HUFA/100 g fillet. Nhóm đề tài cũng đã chuyển giao bộ công thức thức ăn cho Công ty Cổ Phần Vĩnh Hoàn sử dụng trong nuôi cá Tra thương phẩm tại các vùng nuôi của công ty.

- Kết quả nuôi ao đánh giá hiệu quả thức ăn cho thấy cá sử dụng thức ăn đề tài cho kết quả đạt và vượt các mục tiêu đề ra cụ thể như tăng trưởng cao hơn 15%, hệ số thức ăn giảm từ 18,9 - 24,0%, đồng thời tỷ lệ sống tăng lên từ 6,9 - 9,1% so với thức ăn thương mại. Thời gian nuôi được rút ngắn được từ 4 - 10 ngày nuôi (tương ứng là 5,7 - 14%) đồng nghĩa với tỷ lệ sống được nâng lên và đặt biệt hàm lượng n-3 HUFA fillet cá tra đạt mức 140mg/100g fillet, cao hơn nhiều so với fillet cá ăn thức ăn thương mại (35,8 mg/100g fillet).

Đề tài được thực hiện với nhiều nội dung nghiên cứu khá phức tạp trong khoảng thời gian ngắn. Thức ăn được sản xuất theo công thức thức ăn của đề tài và áp dụng tại ao nuôi thương phẩm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường các acid béo giá trị cao, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các chỉ số tích cực về tăng trưởng, sức khỏe và tỉ lệ fillet của cá so với đối chứng. Vì vậy, đề tài kiến nghị cần triển khai, áp dụng nuôi cá Tra quy mô thương mại và đánh giá một cách toàn diện hiệu quả sử dụng của công thức thức ăn của đề tài đến sự tăng trưởng, tỉ lệ fillet, sức khỏe của cá cũng như hiệu quả tăng cường miễn dịch, môi trường và kinh tế.

Các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, sinh lý của loài cá này hiện chưa được nghiên cứu một cách căn cơ và có hệ thống cần có các nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị khoa học cao hơn nữa để nâng cao chất lượng cá và tỉ lệ fillet của cá Tra.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19837/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 117
Hôm nay: 3155
Tổng lượt truy cập: 3.269.407
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.