Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 17-06-2024

Xây dựng quy trình bào chế viên hoàn giọt có chứa Đan sâm, Tam thất Việt Nam

Đan sâm, tam thất là các vị dược liệu quý, đã được sử dụng từ lâu đời với mục đích điều trị và ngăn ngừa các chứng rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, thừa cholesterol, giúp thông thoáng huyết quản, làm chậm sự tiến triển của quá trình xơ vữa động mạch vành. Một số dạng bào chế phổ biến của 2 dược liệu này ở Việt Nam là viên nén, viên nang, viên hoàn cứng, sử dụng nguyên liệu bào chế là bột dược liệu hoặc các cao chiết. Tuy nhiên, các sản phẩm chiết xuất từ dược liệu đan sâm, tam thất ở Việt Nam hiện nay đều chưa chú trọng vào khâu tinh chế loại bỏ tạp chất và nâng cao chất lượng cao chiết. Hầu hết các sản phẩm đều là cao thô với hàm lượng hoạt chất thấp, nhiều tạp chất nên kém ổn định, khó sử dụng, khó đưa vào các dạng bào chế yêu cầu chất lượng cao. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn cơ bản cần được đầu tư nghiên cứu để dần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm thuốc dược liệu.

 

Xuất phát từ những thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Dược Hà Nội do TS. Bùi Thị Thúy Luyện dẫn đầu đã thực hiện đề tài: “Xây dựng quy trình bào chế viên hoàn giọt có chứa đan sâm, tam thất Việt Nam” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021 nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển và sử dụng cây thuốc đan sâm, tam thất trồng tại Việt Nam. Đề tài được thực hiện với các mục tiêu sau: xây dựng được quy trình chiết xuất, làm giàu hoạt chất bằng hạt nhựa macroporous và quy trình bào chế viên hoàn giọt có chứa đan sâm, tam thất Việt Nam; xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của cao khô đan sâm, cao khô tam thất và viên hoàn giọt; bước đầu đánh giá độ ổn định của viên hoàn giọt; và đánh giá được độc tính cấp, bán trường diễn và tác dụng chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu, hạ cholesterol trên thực nghiệm của viên hoàn giọt.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Đã xây dựng được quy trình chiết xuất và tinh chế cao rễ tam thất giàu saponin quy mô 1 kg/mẻ

- Đã xây dựng được quy trình chiết xuất và tinh chế cao rễ đan sâm giàu hoạt chất quy mô 5 kg/mẻ

- Đã xây dựng được quy trình bào chế viên hoàn giọt đan sâm, tam thất quy mô 5000 viên/mẻ

- Đã nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của cao tam thất, cao đan sâm và viên hoàn giọt

- Đã nghiên cứu độ ổn định của cao tam thất, cao đan sâm và viên hoàn giọt, cũng như tác dụng dược lý.

Các tác giả dự kiến sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chất lượng dược liệu đến hiệu quả quá trình chiết xuất và tinh chế cao tam thất, cao đan sâm giàu hoạt chất; nâng quy mô quy trình chiết xuất và bào chế cao tam thất, cao đan sâm. Ngoài ra, hướng nghiên cứu tiếp theo là đánh giá các tác dụng khác của viên hoàn giọt đan sâm, tam thất đến tim mạch như chống xơ vữa động mạch.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19926/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 103
Hôm nay: 4219
Tổng lượt truy cập: 3.270.471
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.