Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin hoạt động Sở

Ngày đăng: 25-11-2021

Hội thảo Khoa học đánh giá 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” và Định hướng phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN nhận định: CNSH là ngành có khả năng tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của sinh vật với sinh phẩm có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH là nhiệm vụ quan trọng được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Ngày 04/3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước”. Để cụ thể hóa Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TU ngày 01/8/2006 về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH”. Thời gian qua, việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, việc triển khai ứng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thông qua các nguồn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa đã đầu tư trên 37 tỉ đồng cho hạ tầng cơ sở vật chất phát triển CNSH và hỗ trợ kinh phí mua sắm một số trang thiết bị phục vụ nuôi cấy mô tế bào, nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vi sinh. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng CNSH để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phòng chống sâu bệnh đối với cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy hải sản; sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô... Trong lĩnh vực môi trường, ứng dụng công nghệ khí sinh học (Biogas), chế phẩm E.M để xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ phân hủy sinh học kỵ khí (UASB) để bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn khí metan trong quá trình xử lý nước thải sản xuất tinh bột sắn làm nhiên liệu sấy tinh bột. Trong lĩnh vực y tế, sử dụng công nghệ Biofast làm sạch nước thải bằng phương pháp sục ôzone kết hợp với men vi sinh...

 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy phát biểu tại hội thảo


Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp,Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu ứng dụng CNSH để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực và một số cây trồng, con nuôi khác có giá trị và triển vọng nhằm phát triển theo hướng bền vững, an toàn sinh học. Theo đó, có 05 dự án cấp quốc gia thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 01 dự án cấp Bộ, 16 dự án cấp tỉnh, trên 30 dự án cấp cơ sở có ứng dụng CNSH được triển khai thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây hoa có giá trị kinh tế cao là dấu ấn nổi bật của hoạt động phát triển, ứng dụng CNSH qua 15 năm. Với vai trò đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH, những năm vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN và Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Vùng Bắc Trung bộ thuộc Viện Lâm nghiệp Việt Nam đã tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về giống cây trồng, nuôi cấy mô tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, các loại giống hoa, trong đó có các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Nhân giống invitro cây Lan kim tuyến, lan Giã hạc, Keo Lai, cây Ba Kích, Sâm Cau, Lan hồ điệp, Lan nghinh xuân, Hoa đồng tiền, Hoa hồng môn, Hoa chuông, Hoa cúc. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính (invitro) sản xuất thành công các dòng keo lai mới BV 33, BV73, BV75 phục vụ phát triển rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao và làm chủ công nghệ sản xuất giống cây lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong nghiên cứu, phát triển cây dược liệu, đặc biệt nhân rộng mô hình trồng cây chè vằng bằng công nghệ giâm hom có sử dụng chất kích thích ra rể IBA, chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển được gần 100 ha chè vằng tại Cam Lộ dùng làm nguyên liệu sạch chế biến sản phẩm dược liệu. Từ thành công của cây dược liệu chè vằng, đã mở rộng, tập trung nghiên cứu, chế biến thành công các loại cây Dược liệu có giá trị khác theo hướng hữu cơ như Dây Thìa Canh, Giảo cổ lam, Sâm Bố Chính, Cà Gai leo.

Một điểm nổi bật qua 15 năm ứng dụng CNSH là việc nghiên cứu, sản xuất thành công và đẩy mạnh việc sử dụng các loại chế phẩm vi sinh hiệu quả vào nhiều lĩnh vực thực tiễn đời sống. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Tôm là một trong “ 2 cây, 6 con” của tỉnh, với việc chế phẩm sinh học Nitro-QTMIC và Perfect-QTMIC được ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã có hiệu quả rõ rệt đối với sức khỏe của tôm như tăng sức đề kháng, giảm bệnh tật, rủi ro, giảm thiểu sự gia tăng số lượng cũng như ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại, thúc đẩy sự phát triển của tôm như tăng khả năng ăn vào và tiêu hóa thức ăn và tăng kích cỡ trưởng thành của tôm, cá. Nhờ vậy, đã tăng được mật độ nuôi, tăng năng suất (60-90 tấn/ha), hạn chế được dịch bệnh. Sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý các chất thải trong nông nghiệp thành phân bón hữu cơ là hướng để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Định hướng thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 06/CT-TU ngày 01/8/2006 của BTV Tỉnh ủy về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH”. Mục tiêu trong thời gian tới là triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNSH để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; Phát triển CNSH phục vụ cho sản xuất hữu cơ đạt trình độ công nghệ khá trong khu vực; xây dựng nền CNSH phát triển, nhất là công nghệ nuôi cây mô tế bào (Invitro), phát triển sản xuất hàng hóa một số sản phẩm chủ lực như gạo hữu cơ, cây dược liệu, cây công nghiệp... đóng góp vào tăng trưởng kinh tế các địa phương; Tiếp tục đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH, xây dựng các tổ chức KHCN đủ năng lực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực CNSH và tăng cường hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước trên lĩnh vực CNSH; phấn đấu đến năm 2025, CNSH đóng góp quan trọng vào nâng cao tốc độ tăng trưởng; chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại hội thảo đã nghe 04 ý kiến tham luận về công tác thông tin, tuyên truyền “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”; Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNN; Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực đối với cây lâm nghiệp; Ứng dụng CNSH trong sản xuất phân hữu cơ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy nhấn mạnh: Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ nói chung và CNSH nói riêng phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của CNSH đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các chương trình thu hút bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNSH. Đẩy mạnh ứng dụng CNSH, sản xuất được những sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức cũng đã trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm khoa học ứng dụng CNSH nổi bật của tỉnh.

Hải Yến

 

 

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 1928
Tổng lượt truy cập: 2.907.455
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.