Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 19-07-2023

Để cây cà phê Khe Sanh mang lại giá trị cao hơn

Cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê thời gian qua gặp những khó khăn nhất định như quy trình trồng và chăm sóc chưa đồng bộ, chưa khoa học, sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân thô nên giá thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây cà phê.

Mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty Hoi An Roastery trong sản xuất cà phê nông lâm - Ảnh: L.A

Chị Hồ Thị Vinh ở thôn Xary, xã Hướng Phùng có gần 4.000 cây cà phê đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 3 tấn quả tươi/năm. Toàn bộ sản lượng thu hoạch được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Theo chị Vinh, trước đây khi chưa tham gia ký kết với doanh nghiệp, đa số người trồng cà phê đều “mạnh ai nấy làm” kể cả trong cách chăm sóc cũng như thu hoạch. Cà phê hái về chỉ bán cho thương lái, đại lý thu mua ngay tại thôn, giá cả thay đổi liên tục. Nhưng từ khi tham gia liên kết với Công ty Hoi An Roastery, người dân phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, thu hái quả chín và giá hợp đồng cũng cao hơn so với giá thị trường.

“Niên vụ cà phê vừa qua, với giá bán bình quân khoảng 10.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu được gần 12 triệu đồng”, chị Vinh cho hay.

Chị Vinh là một trong những hộ nông dân trồng cà phê tại xã Hướng Phùng được hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) thông qua Dự án Thúc đẩy liên kết sản xuất cà phê Arabica nông lâm kết hợp. Dưới sự hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của MCNV, 7 nhóm nông dân tại các thôn của xã Hướng Phùng với trên 50 người, trong đó có khoảng 40% là người đồng bào Vân Kiều đã liên kết với Công ty Hoi An Roastery và cơ sở chế biến của anh Lê Ngọc Trịnh để cùng phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững.

Theo hợp đồng ký kết, người trồng cà phê phải đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu, được hưởng mức giá thu mua cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đến vụ thu hoạch, nông dân chỉ việc thu hái và chở đến xưởng sản xuất của anh Lê Ngọc Trịnh để sơ chế thành cà phê thóc và cà phê nhân. Sau đó Công ty Hoi An Roastery sẽ chế biến rang xay ra thành phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất bán sang châu Âu.

Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị Nguyễn Đình Đại cho biết, tính bền vững của dự án thể hiện ở 3 yếu tố. Về mặt kinh tế, người trồng cà phê có thu nhập cao hơn và giá bán ổn định hơn, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Về mặt xã hội, thông qua mô hình hợp tác này, doanh nghiệp và nông dân có tiếng nói chung, tin tưởng lẫn nhau. Về môi trường, mô hình này hướng tới sản xuất và cung ứng cà phê nông lâm kết hợp, vườn cà phê phải trồng cây che bóng và canh tác hữu cơ.

Theo ông Đại, để có tách cà phê thơm ngon chuẩn vị, những hạt cà phê Arabica phải trải qua các công đoạn dài từ việc chọn vùng nguyên liệu, chăm sóc, thu hái chọn lọc, sơ chế rồi rang xay hạt cà phê. Tất cả các công đoạn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy chuẩn đã được tập huấn. Điều quan trọng là MCNV đã kết nối họ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó người trồng cà phê, đặc biệt là đồng bào Vân Kiều yên tâm canh tác, có thu nhập ổn định hơn.

“Trong thời gian tới, MCNV sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác nhằm thúc đẩy mô hình cà phê nông lâm kết hợp. Qua đó, tạo ra thay đổi tích cực về cách canh tác cà phê, giúp cây cà phê có năng suất và chất lượng ổn định, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Arabica đặc sản, thương hiệu riêng có của Hướng Hóa”, ông Đại chia sẻ thêm.

Hướng Hóa có tổng diện tích đến cuối năm 2022 khoảng hơn 3.900 ha cà phê, với giống chủ lực là cà phê chè Catimor, năng suất đạt 11,5 tạ/ha, sản lượng bình quân gần 4.500 tấn cà phê nhân. Cây cà phê được tỉnh xác định là một trong những cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Quảng Trị. Không chỉ có giá trị xuất khẩu, cây cà phê còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, tuy sản lượng chưa nhiều nhưng với tiềm năng đất đỏ ba dan màu mỡ, độ cao và khí hậu thích hợp, đã tạo nên sản phẩm cà phê chè chất lượng thơm ngon. Điều này đã được khẳng định tại các cuộc thi cà phê đặc sản do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức những năm qua.

Đặc biệt, sản phẩm cà phê chè huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”, đã tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh trong đó có ngành hàng cà phê.

Tuy nhiên, cũng theo bà Phương, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, ngành cà phê của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ không ổn định; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế, diện tích cà phê già cỗi tăng cao với hơn 50% diện tích cà phê trồng trước năm 2000.

Đây là những vấn đề làm ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất cà phê chưa cao. Mặt khác chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều điểm yếu...

Do vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cà phê nhằm duy trì ổn định diện tích 5.000 ha. Đảm bảo thực hiện các mục tiêu có ít nhất 1.000 ha cà phê được tái canh đến năm 2026; trong đó có 50 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, phát triển 60 ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa và đến năm 2030 hoàn thành tái canh diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

“Ngoài các mô hình liên kết đã triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, ngành nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa Công ty Slow Forest Coffee (Đan Mạch) với các hộ dân và HTX sản xuất cà phê với diện tích theo cam kết của công ty trong giai đoạn 2022 - 2025 là 1.000 ha. Hiện tại, công ty đã ký kết hợp đồng liên kết với Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh. Sản lượng thu mua dự kiến khoảng 100 tấn cà phê thóc trong niên vụ này”, bà Phương thông tin.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 330
Tổng lượt truy cập: 2.846.382
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.