Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 15-09-2023

Nhiều ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao

Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ XII năm 2023 có nhiều sản phẩm được đầu tư khá công phu từ ý tưởng sáng tạo đầy tâm huyết đến việc hoàn thiện có quy mô, chất lượng và tính thẩm mỹ cao, nêu bật các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển kinh tế. Theo đánh giá chung, nhiều sản phẩm sáng tạo của học sinh được thiết kế kỹ lưỡng và tính toán khá chi tiết, có cơ sở khoa học cũng như tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Sản phẩm “Đèn bẫy côn trùng gây hại sử dụng năng lượng mặt trời” được đánh giá cao về các giải pháp kỹ thuật ứng phó với BĐKH, BVMT - Ảnh: M.Đ

Sản phẩm “Đèn bẫy côn trùng gây hại sử dụng năng lượng mặt trời” của tác giả Cao Thị Diễm Hương và Nguyễn Thị Bảo Ngân (Trường TH&THCS Hải Hòa, huyện Hải Lăng) được đánh giá cao về các giải pháp kỹ thuật ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển kinh tế.

Em Diễm Hương cho biết: “Trong quá trình thực hiện sản phẩm, chúng em nhận được nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Dũng Hạnh, thầy giáo Lê Nam Á và lời động viên, cổ vũ từ phía gia đình, bạn bè để hoàn thành tốt ý tưởng đề ra. Cơ sở khoa học của biện pháp dùng đèn bẫy côn trùng, sâu bọ gây hại là các loại sâu bọ và côn trùng gây hại bị thu hút bởi ánh sáng của đèn. Nguồn điện sử dụng cho bẫy đèn là nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm và an toàn. Nguồn điện được cung cấp cho các thiết bị bóng đèn Led và hệ thống lưới kim loại dẫn điện (nguồn điện khoảng 9V được cung cấp cho hai lồng lưới với cực dương là lồng lưới bên trong và cực âm đối với lồng lưới bên ngoài). Khi côn trùng bị thu hút bởi ánh sáng sẽ lao vào và cơ thể chúng chạm vào lồng lưới có điện, côn trùng sẽ bị chết và rơi xuống lồng chứa”.

Sản phẩm của Diễm Hương và Bảo Ngân có thể đưa vào phục vụ giảng dạy, học tập và ứng dụng trong cuộc sống. Thầy giáo Lê Nam Á nói, sản phẩm đèn bẫy côn trùng gây hại sử dụng năng lượng mặt trời có nhiều ưu điểm như: thân thiện với môi trường; thiết kế sản phẩm theo tiêu chí gọn, đẹp, hiệu quả và thuận tiện cho người sử dụng. Sử dụng nguồn điện đảm bảo an toàn cho con người và các loài động vật có ích khác.

Các loại vật liệu chế tạo đèn bẫy có thể tận dụng từ các nguồn nguyên vật liệu tái chế và tái sử dụng các đồ dùng cũ trong gia đình như vợt bắt muỗi, bình nước lọc, các loại bao đựng lúa... Việc thi công sản phẩm dễ dàng.

Tác giả Trần Ngọc Tâm Đan (thôn Phương An, xã Triệu Sơn, Triệu Phong) chia sẻ, sản phẩm “Hệ thống cảnh báo lũ lụt thông minh” của em và bạn Lê Thái Hoàng Nguyên (thôn Linh An, xã Triệu Trạch) được đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, với mong muốn giúp người dân chủ động phòng chống bão lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng lũ. Đây là một hệ thống cảnh báo hoàn toàn tự động; dùng nguồn năng lượng mặt trời. Sản phẩm tạo ra có thể làm việc ở nhiều chế độ như có thể cảnh báo trực tiếp bằng hệ thống chuông, cảnh báo trực tiếp ở các mực nước khác nhau bằng còi và đèn vàng, đèn đỏ...

Tác giả Hoàng Nguyên hào hứng nói: “Hệ thống cảnh báo lũ lụt thông minh là sản phẩm được làm chủ yếu từ những vật liệu tái chế và có sẵn trên thị trường. Sản phẩm dễ dàng sử dụng, an toàn và thân thiện với môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, thực hiện ý tưởng trên giấy, tìm hiểu hoạt động của thiết bị điện tử, thực hiện nhiều khâu gia công, lắp ráp, đặc biệt là qua 9 lần thử nghiệm, chúng em đã hoàn thiện mô hình cảnh báo lũ lụt thông minh đúng như ý tưởng”.

Trong những lần nô đùa cùng dòng nước ở thôn Ruộng (Hướng Hiệp, Đakrông), cô bé Hoàng Hà My đã nảy ra ý tưởng thực hiện mô hình “Guồng nước của vùng cao”. Em đã tìm hiểu rất nhiều về phong tục tập quán, sinh hoạt và những nét văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô, từ đó, muốn tạo ra những sản phẩm phục vụ cho người dân.

Theo Hà My, điều đầu tiên mà em hướng đến đó là sản phẩm có giá thành rẻ để có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Em tận dụng những vật liệu bỏ đi, sưu tầm tái chế nắp nhựa, chai nhựa, thùng xốp, tre... để tạo nên sản phẩm guồng nước của vùng cao. Mô hình này có thể phục vụ cho việc học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên khi tổ chức cho học sinh tham quan học tập, vận dụng vào bài giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao....

Phó Trưởng ban Tư vấn, phản biện, thông tin và Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Thanh Nam cho biết: “Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ XII năm 2023 có nhiều sản phẩm đầu tư công phu, kỹ lưỡng về các giải pháp kỹ thuật ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển kinh tế. Bản thân tôi và nhiều thành viên ban giám khảo đánh giá rất cao về những ý tưởng mới, có cơ sở khoa học; mô hình thiết kế công phu, tính toán chi tiết và lập luận chặt chẽ từ lý thuyết đến đi thực tiễn nắm bắt vấn đề thực tế, tâm tư và mong muốn của người dân. Những đề tài về lĩnh vực này, theo nhận định chung là có tính ứng dụng cao và có khả năng áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, từ ý tưởng và hoàn thiện đề tài, sản phẩm đến việc hiện thực hóa ứng dụng trong thực tiễn đời sống xã hội còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong đó, cần nói đến hỗ trợ tài chính, có nhà đầu tư”.

Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị đã tạo sân chơi bổ ích, khơi nguồn sáng tạo trong tuổi trẻ, vì thế, cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng tầm hơn nữa, nhằm động viên, khuyến khích học sinh tham gia và khẳng định trí tuệ qua những sáng kiến, mô hình sản phẩm mới có quy mô, chất lượng và ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 2673
Tổng lượt truy cập: 2.829.576
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.