Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-03-2024

Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc và đề xuất áp dụng cho hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Phát triển vận tải thủy nội địa trên các hành lang vận tải từ lâu đã là mối quan tâm của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Đường thủy nội địa với các lợi thế khối lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải đơn phương thức thấp, mức phát thải ô nhiễm môi trường thấp... có tiềm năng khai thác rất lớn. Nhằm phát triển vận tải đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt về Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và Chỉ thị phê duyệt về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai" và Quyết định phê duyệt Đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang vận tải TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau” nhằm phát huy tối đa thế mạnh từng phương thức vận tải; tập trung nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt, đường thủy, nội địa, giảm thị phần vận tải đường bộ cự ly vận chuyển trên 300km.

Tại khu vực phía Bắc, nhiều dự án đã được triển khai để phát triển vận tải đường thủy nổi địa, tiêu biểu như Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đông bằng Bắc bộ (Dự án WB6) đã tập trung nâng cao hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống) và hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Cửa Lạch Giang). Sau 05 năm triển khai các đề án và giải pháp, đường thủy nội địa đã có những chuyển biến rõ rệt, hàng năm đường thủy vận chuyển chiếm 20-23% về tấn và 25-30% về tấn.km trong vận tải hàng hóa của phía Bắc. Trong đó, tuyến hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong những tuyến có hoạt động vận tải thủy nội địa sôi động nhất trong khu vực với vai trò kết nối hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh với toàn bộ hệ thống cảng thủy nội địa trong vùng, đặc biệt là hoạt động vận tải container và hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng biển Hải Phòng. Tuy vậy, hiện nay trên hành lang vận tải đường thủy nội địa đang gặp phải một số vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết như tình trạng cảng container đường thủy nội địa khan hiếm hàng, xảy ra tình trạng mất an toàn, ùn tắc trên luồng tuyến do phương tiện va chạm với các cầu tĩnh không thấp... Những bất cập nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác vận tải đường thủy nội địa trên hành lang. Do đó, KS. Phan Hoàng Phương và các cộng sự tại Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc và đề xuất áp dụng cho hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh” nhằm tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh góp phần giảm chi phí, thời gian vận tải, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong khu vực; phát hiện, đánh giá các bất cập trong khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng và tăng hiệu quả vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

Đề tài đã nghiên cứu và đánh giá được cơ bản hiện trạng và các tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là hành lang có sản lượng vận tải thủy nội địa lớn nhất trong khu vực phía Bắc, đồng thời cũng điển hình cho hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc.

Trên cơ sở nhận diện, đánh giá các tồn tại, bất cập, cùng với đó là dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa trên hành lang, phân tích xu thế chuyển đổi cơ cấu hàng hóa của khu vực phía Bắc (tỷ lệ container hóa ngày càng tăng, các luồng vận tải tập trung chủ yếu vào khu vực cảng biển Hải Phòng) cũng như lợi thế trong phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch. Nhóm nghiên cứu đã có những đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của hoạt động vận tải thủy khu vực phía Bắc nói chung và cho hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng.

Các nội dung nghiên cứu của Đề tài vừa đảm bảo hàm lượng khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong thực tiễn, một số kết quả trong quá trình nghiên cứu của Đề tài cũng đã được cụ thể hóa trong nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như phương án phát triển giao thông vận tải trong quy hoạch tỉnh của một số địa phương trong khu vực.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố trên hành lang vận tải Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tiếp tục áp dụng, triển khai mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, đặc biệt các giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải container và hành khách trên hành lang, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng và hiệu quả trên toàn khu vực phía Bắc.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 193/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 3398
Tổng lượt truy cập: 2.908.926
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.