Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 05-04-2024

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng

Ngành dâu tằm tỉnh Lâm Đồng phát triển hàng đầu cả nước; có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm, tơ lụa. Chất lượng kén tằm nguyên liệu được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu ươm tơ chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất ngành dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.

Khảo sát diện tích trồng dâu của nông hộ năm 2017 (%)

Huyện Đạ Tẻh là khu vực thuận lợi cho nghề dâu tằm tơ. Năm 2017 toàn huyện có khoảng 931 ha dâu tằm; năng suất lá dâu bình quân đạt khoảng 18 tấn/ha/năm. Năng suất kén đạt 37 - 39kg kén/hộp trứng. Cây dâu tằm không bị cạnh tranh bởi những cây trồng khác do cây dâu tằm chủ yếu được phát triển ở những diện tích ven sông, suối, những vùng trũng thấp hay bị ngập hàng năm. Về tiềm năng để mở rộng diện tích dâu còn khá lớn trên diện tích đất chưa khai thác, đất chuyển đổi một số loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế chưa cao, nguồn lao động dồi dào trong nông nghiệp có thể sử dụng để trồng dâu nuôi tằm. Do trồng ở vùng thấp và có nguồn nước tưới dồi dào nên có điều kiện sản xuất lá dâu nuôi tằm vào giai đoạn mùa khô, trong khi các vùng dâu tằm phía Bắc Lâm Đồng vì không có điều kiện tưới nước nên thiếu lá dâu nuôi tằm (trong khi mùa khô là mùa nuôi tằm thuận lợi nhất trong năm). Tuy nhiên trong sản xuất dâu tằm tại Đạ Tẻh còn tồn tại một số hạn chế sau: Về giống và các biện pháp kỹ thuật canh tác cây dâu; Về giống và kỹ thuật nuôi tằm; Về liên kết, bao tiêu sản phẩm kén tằm.

Để việc trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả kinh tế cao, tương xứng với lợi thế và tiềm năng tại huyện Đạ Tẻh, trước hết cần phải có giống dâu, giống tằm năng suất cao, có quy trình kỹ thuật thâm canh dâu, nuôi tằm tiên tiến trên cơ sở chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mới, phổ biến cho nông dân áp dụng đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập trung phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết giữa các hộ - tổ hợp tác - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có giải quyết được vấn đề này mới xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, là điều kiện tiên quyết thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ chứ không phải là chỉ là vùng nguyên liệu đơn thuần như hiện nay.

Tóm lại có thể thấy rằng để nâng cao năng suất, chất lượng tơ kén thì việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm là rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Việc này phải áp dụng một cách tổng hợp các giải pháp kỹ thuật cũng như các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Công nghệ được áp dụng một cách đồng bộ các giải pháp như: giống mới, kỹ thuật trồng và chăn nuôi tằm, mô hình nuôi tằm con tập trung, quy trình bón phân cân đối, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp… Đây có thể coi là những biện pháp rất phù hợp với thực trạng sản xuất dâu tằm hiện nay trên địa bàn huyện Đạ Tẻh.

Từ đó việc triển khai dự án Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng do Kĩ sư Bùi Văn Hùng cùng nhóm tác giả tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng thực hiện với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất dâu tằm theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh đã có từ những năm 1986 khi mới thành lập huyện và phát triển mạnh nhất ở 03 xã Mỹ Đức, Đạ Kho, Đạ Pal. 9 Kết quả điều tra cho thấy đến cuối năm 2017, diện tích dâu tằm toàn huyện là 931 ha, trong đó của Đạ Pal 147 ha (chiếm 15,7% diện tích dâu toàn huyện), Quốc Oai 103 ha (chiếm 11% diện tích dâu toàn huyện), Mỹ Đức 153 ha (chiếm 16,4% diện tích dâu toàn huyện). Trồng dâu nuôi tằm là ngành nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân tại đây, qua khảo sát, mỗi hộ dân có từ 2- 3 nguồn sinh kế chính gồm: trồng điều, trồng dâu nuôi tằm, trồng cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi heo, gia cầm, trong đó thu nhập từ dâu tằm chiếm 50-60% trong tổng nguồn thu của hộ. Trong những năm gần đây, giá kén tằm tương đối ổn định và giao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg kén, nông dân phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Hệ thống giao thông tại địa bàn các xã tương đối thuận lợi, các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa, nông dân đi lại, tiêu thụ kén tằm thuận tiện.

Sau thời gian thực hiện dự án, đến năm 2020 diện tích dâu tằm trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đạt 1.660 ha, chiếm 11,5% diện tích đất nông nghiệp toàn 26 huyện, tăng 927 ha so với năm 2017. Giống dâu tằm sử dụng chủ yếu là giống có năng suất cao như S7-CB, VA 201, TBL 03 đạt trên 80% diện tích canh tác; 70% diện tích dâu tằm được trồng liền vùng, liền thửa, được chuyển đổi từ đất trồng lúa 1 vụ, đất trồng điều hiệu quả thấp, từ đó đã tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho việc chăm sóc, ứng dụng cơ giới hóa và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa để chủ động phòng chống hạn trong mùa khô. Năng suất lá dâu thu hoạch năm thứ 3 đạt trên 25,5 tấn/ha, tăng bình quân 8 tấn/ha so với năm 2017. Trong sản xuất vườn dâu, người dân có trách nhiệm rất cao trong việc vệ sinh, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để không gây ngộ độc khi nuôi tằm.

Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 2.830 hộ dân với trên 7.000 lao động thường xuyên trồng dâu và nuôi tằm, chiếm 21,9% số hộ và 24,7% số người trong độ tuổi lao động của huyện. Cây dâu, con tằm trở thành chủ lực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thu nhập chính của phần lớn hộ dân. Từ việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong việc chăm sóc vườn dâu và nuôi tằm, các hộ dân đã áp dụng nhiều biện pháp và đầu tư dụng cụ để sản xuất kén chất lượng cao. Trước đây, hộ dân sử dụng né tre (né chữ W), tạo ra kén tằm sử dụng cho ươm tơ thủ công. Hiện nay, người dân đã thay hoàn toàn bằng né gỗ hoặc né gỗ đôi, sản phẩm kén tằm đáp ứng yêu cầu cho các hệ thống dây chuyền ươm tơ tự động; khoảng 40% hộ dân làm nhà nuôi tằm kiên cố có diện tích từ 30 - 70 m2 tách biệt với nhà ở; trên 10% hộ lắp đặt hệ thống làm mát cho nhà tằm trong mùa khô bằng máy phun mưa mái nhà, phun sương quanh nhà. Đặc biệt, nếu như từ năm 2017 trở về trước, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh không có hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng đến nay đã có trên 50 hộ gắn bó với cây dâu, con tằm, trở thành hộ có thu nhập ổn định và khá trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Các quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được các loại đất không thật sự phù hợp với một số loại cây trồng khác làm tăng lợi thế cạnh tranh của cây dâu tằm. Việc trồng và thâm canh các giống dâu mới đã làm tăng diện tích đất được che phủ, cải thiện được độ phì đất do đất được cày xới đúng kỹ thuật, tăng đầu tư phân hữu cơ, giảm sử dụng thuốc trừ cỏ…

Sau thời gian thực hiện dự án, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng sau thời gian thực hiện đã thúc đẩy nhanh ứng dụng KHCN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dâu tằm, phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm tơ kén trên thị trường; huy động các nguồn lực xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững; đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân, tổ chức liên kết và tiêu thụ sản phẩm... đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, môi trường cho người dân địa phương.

Hoàn chỉnh 6 quy trình khoa học công nghệ trồng dâu nuôi, tằm để phổ biến, tuyên truyền, chuyển giao cho nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh áp dụng thực hiện.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19696/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 152
Tổng lượt truy cập: 2.909.279
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.