Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 23-05-2024

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 và kỹ thuật định lượng PIVKA-II, AFP, AFP-L3 trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG hay HCC) là bệnh lý ác tính của gan. Tại Việt Nam, theo GOLOBOCAN 2020, UTBMTBG là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất với 26.418 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh với 25.272 ca. Nguyên nhân UTBMTBG liên quan với viêm gan B, C, xơ gan do rượu, nhiễm độc tố aflatoxin.

 

Có nhiều phương pháp điều trị UTBMTBG như phẫu thuật, phá hủy khối u tại chỗ (đốt sóng cao tần - RFA, tiêm cồn), điều trị tại vùng (tắc mạch hóa dầu TACE…), điều trị toàn thân (hóa trị, thuốc điều trị đích phân tử nhỏ- TKI). Tùy giai đoạn bệnh mà lựa chọn phương pháp thích hợp. Xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiation Therapy: SIRT) điều trị ung thư gan là phương pháp đưa các hạt vi cầu gắn đồng vị phóng xạ Y-90 chọn lọc vào động mạch nuôi khối u ác tính trong gan. Các hạt vi cầu Y-90 đi vào nhánh động mạch nhỏ trong khắp khối u gây tắc mạch đồng thời phát ra bức xạ beta tiêu diệt tế bào ung thư.

Bên cạnh chẩn đoán sớm UTBMTBG, bộ ba xét nghiệm PIVKA-II, AFP, AFP-L3 đóng vai trò trong theo dõi điều trị bệnh. Từ đó đặt ra nhu cầu cấp thiết sử dụng các dấu ấn ung thư trong đánh giá theo dõi điều trị, đặc biệt là sau xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để bổ sung thêm bằng chứng về tính hiệu quả của phương pháp. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của GS. TS. Mai Trọng Khoa tại Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 và kỹ thuật định lượng PIVKA-II, AFP, AFP-L3 trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 trong điều trị UTBMTBG; đánh giá hiệu quả của kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 điều trị UTBMTBG; và đánh giá giá trị của nồng độ PIVKA-II, AFP, AFP-L3 huyết thanh trong theo dõi kết quả điều trị UTBMTBG bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90.

Qua nghiên cứu 32 bệnh nhân UTBMTBG được xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 5/2021, đề tài đã rút ra một số kết luận sau:

- Nghiên cứu đã xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90: Theo quy trình dự thảo, kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Resin Y-90 đã được thực hiện từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện Quy trình kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 điều trị ung thư biểu mô tế bào gan phù hợp với thực tế, giúp cho việc ứng dụng quy trình và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện hiệu quả và an toàn hơn.

- Hiệu quả và tính an toàn của kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 điều trị ung thư biểu mô tế bào gan đã được nghiên cứu đánh giá: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn.

- Xét nghiệm nồng độ AFP, AFP-L3 và PIVKA-II có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá đáp ứng điều trị ung thư biểu mô tế bào gan:

+ Tỉ lệ bệnh nhân có AFP cao hơn 10 ng/ml là 46,9%; Tỉ lệ bệnh nhân có AFP –L3 tăng cao hơn 10% là 46,9%; Tỉ lệ bệnh nhân có PIVKA-II cao hơn 40 mAU/mL là 75%.

+  Số bệnh nhân có cả ba nồng độ bình thường (dưới ngưỡng) là 18,8%, 81,2% còn lại là có ít nhất 1 trong 3 nồng độ tăng, hoặc 2 trong 3 nồng độ tăng hoặc cả 3 nồng độ tăng (34,4%).

+ Trong nhóm 26 bệnh nhân có tăng nồng độ AFP và/hoặc AFP-L3 và/hoặc PIVKA-II: Nồng độ trung bình AFP tăng là 1897,7 ng/ml, tỉ lệ AFPL3 trung bình 41,4%, nồng độ PIVKA-II trung bình là 5315,9 mAU/mL, đều ở ngưỡng tăng cao hơn so với ngưỡng bình thường.

+ Sau điều trị SIRT 1 tháng, nồng độ AFP, AFP-L3 và PIVKA-II giảm rõ rệt: nồng độ AFP từ 1897,7 ng/ml giảm còn 405,5 ng/ml; tỷ lệ AFP-L3 giảm từ 41,4% xuống 26,7%; nồng độ PIVKA-II giảm từ 5315,9 mAU/mL xuống còn 940,1 mAU/mL

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19671/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 104
Hôm nay: 2839
Tổng lượt truy cập: 3.269.091
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.