Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 27-06-2024

Các nhà nghiên cứu đề xuất vi nhựa là tham số mới trong đánh giá môi trường địa phương

Theo định hướng phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020-2050, TPHCM sẽ di dời các điểm khai thác nước thô lên thượng lưu hai dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai; và trong tương lai sẽ lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An để hạn chế tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Thế nhưng, hiện nay nguồn nước ở đầu nguồn lại đang bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau làm dấy lên nhiều nỗi lo.

Hình ảnh vi mô lập thể của hạt vi nhựa thu được tại hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An: a) mảnh đen; b) mảnh trắn; c) mảnh xanh; d) mảnh xanh; e) sợi đỏ; f) sợi xanh; g) sợi đen và h) sợi xanh.

Tại Việt Nam, các loại rác thải nhựa chủ yếu là túi ni-lông, vỏ chai nhựa bẩn, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm nhựa khó thu hồi, khó tái chế… phát sinh từ (i) Hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng; (ii) Các hoạt động kinh tế - xã hội bao gồm: Đóng gói (40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói, bao bì đựng các thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt gia đình, các sản phẩm công nghiệp) (Bái, 2018); Nông nghiệp (chất thải nhựa có thể phát sinh từ quá trình trồng trọt như ni-lông che phủ đất và để bọc hoa quả, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - tồn tại ở dạng chai nhựa, túi nhựa tráng kẽm khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại); Xây dựng (nhựa được sử dụng rất nhiều làm khung cửa, cửa nhựa, cổng, dàn giáo, bàn ghế, tủ, vải nhựa che phủ các công trình); Du lịch (rác thải nhựa từ các hoạt động của khách du lịch, tàu thuyền, các cơ sở kinh doanh du lịch); Tái chế nhựa (nhựa thất thoát từ quá trình tái chế, loại bỏ các sản phẩm nhựa không thể tái chế lẫn trong chủng loại nhựa tái chế).

Sau khi thực hiện một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi nhựa tại hồ Dầu Tiếng và Trị An, nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Aix-Marseille (Pháp) đã đề xuất vi nhựa là tham số mới trong đánh giá môi trường địa phương, cần phải theo dõi trong mạng lưới giám sát chất lượng môi trường địa phương.

Trong công bố “Abundance of microplastics in surface water of tropical reservoirs during contrasted season, the case of Dau Tieng and Tri An, Vietnam”, xuất bản trên International Journal of Environmental Science and Technolog, họ cho biết Dầu Tiếng và Trị An là hai hồ chứa nước lớn, cũng là hai nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các cộng đồng địa phương ở Tây Ninh, Bình Dương.

Hồ Dầu Tiếng là hồ chứa thủy lợi lớn nhất Việt Nam với tổng dung tích chứa 1,6 tỷ m3 nước, diện tích lưu vực 2.700 km2 và diện tích mặt nước 270 km2. Hồ chứa nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cách Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô kinh tế của Việt Nam khoảng 90 km về phía Bắc. Hồ chứa được xây dựng trên phần thượng nguồn sông Sài Gòn và có phạm vi bao phủ 4 huyện của 3 tỉnh gồm huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương, các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu của tỉnh Tây Ninh và huyện Hòn Quản của tỉnh Bình Phước với tổng dân số 465.190 người và mật độ trung bình 164,8 người km2. Nằm ở phía Nam Việt Nam, lưu vực Dầu Tiếng và hệ thống thủy lợi nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có khí hậu cận xích đạo với hai mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4). Hồ chứa nước nhận nước từ các dòng suối bắt nguồn từ Campuchia và sông Sài Gòn, sau đó cung cấp nước cho 172.000 dân trồng lúa và sinh hoạt tại tỉnh Tây Ninh và các vùng lân cận như Bình Dương, Long An và huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Nó còn đóng vai trò quan trọng khác trong việc kiểm soát lũ lụt trong mùa mưa và đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu.

Hồ Trị An rộng 32.000 ha có nhiệm vụ cung cấp nước cho thuỷ điện Trị An, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu bao gồm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay trên hồ đang có hàng trăm hộ dân sinh sống và nuôi trồng thuỷ sản trên các lồng bè, mang theo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước quan trọng này. Theo thống kê, trên hồ Trị An có gần 600 hộ dân cùng số bè tương đương và trên 3.000 lồng nuôi thuỷ sản. Trong đó, tập trung đông nhất trên địa bàn huyện Định Quán với gần 400 hộ với số bè tương đương, cùng hơn 2.000 lồng nuôi. Hiện nay do thời tiết khô hạn từ nhiều tháng qua khiến mực nước hồ Trị An rút sâu vào bên trong lòng hồ, các bè để ở của người dân lộ ra giữa lòng hồ khô cạn. Vào mùa mưa nước lớn thì những nhà bè này cùng các lồng bè chăn nuôi thuỷ sản nổi sát chân cầu La Ngà, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, người dân có thể dễ dàng thấy các bè cá này khi đi trên cầu La Ngà.

Cách nhà nghiên cứu đề xuất vi nhựa là tham số mới cần phải theo dõi trong mạng lưới giám sát chất lượng môi trường địa phương.

Thu thập mẫu nước trong cả hai mùa khô (tháng 4) và mùa mưa (tháng 10) vào năm 2021, họ đã thực hiện phân tích và so sánh các kết quả. Nồng độ vi nhựa ở các địa điểm lấy mẫu và theo mùa ở mức 3,96 ± 1.38 hạt/m−3 ở hồ Dầu Tiếng và 4,04 ± 1,35 hạt /m−3 ở hồ Trị An, tương đương với nồng độ vi nhựa ở các hồ đã được nghiên cứu trên thế giới. Đặc biệt, ở hồ Dầu Tiếng thì lượng vi nhựa không thay đổi theo mùa nhưng ở hồ Trị An, lượng vi nhựa có giảm vào mùa mưa. Sự phân bố theo không gian của vi nhựa phụ thuộc vào các mức hoạt động khác nhau của con người, mật độ dân số khu vực xung quanh hai hồ.

Dẫu nồng độ vi nhựa ở mức thấp nhưng cần đánh giá tác động của vi nhựa lên hệ sinh thái và các yếu tố ảnh hưởng như du lịch, nông nghiệp... Do đó, họ đề xuất vi nhựa là tham số mới cần phải theo dõi trong mạng lưới giám sát chất lượng môi trường địa phương.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 78
Hôm nay: 1302
Tổng lượt truy cập: 3.267.555
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.