Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 03-07-2023

Hợp chất caffeate định hướng tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư

Nhằm mục tiêu nghiên cứu sử dụng và phát triển các hợp chất caffeate, tạo ra sản phẩm dược phẩm định hướng hỗ trợ, điều trị ung thư và một số bệnh khác, PGS.TS Trịnh Thị Thủy và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu sử dụng các hợp chất caffeate định hướng tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư” (Mã số: VAST04.08/20-21). Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN xếp loại xuất sắc.

Chủ nhiệm PGS.TS. Trịnh Thị Thủy và nhóm nghiên cứu

Caffeate là các dẫn xuất của acid caffeic (CADs, CA), một chất khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, thực phẩm thông dụng như hạt cà phê, chè, rau, hoa quả .... CA đã được chứng minh có nhiều tác dụng như hạ đường huyết, khả năng chống viêm, chống virus, chống oxy hóa tiềm năng, điều hòa miễn dịch và ức chế nhiều dòng tế bào ung thư, trong đó có ung thư phổi, ruột kết (in vitro và in vivo). Đến nay, các dẫn xuất của CA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thuốc chống ung thư.

Loài Ngọc cẩu (Balanophora laxiflora Hemsley) đã được nghiên cứu nhiều ở châu Á đặc biệt là ở Trung Quốc. Thống kê đến năm 2022 có khoảng trên năm mươi chất được tìm thấy ở loài này. Kết quả sàng lọc cho thấy hợp chất methyl caffeate (MC) có hàm lượng khá cao trong cây Ngọc cẩu và có hoạt tính gây độc tế bào khả quan. MC và dẫn xuất của nó đã được đăng ký patent tại Mỹ nhằm ứng dụng trong điều trị các bệnh da liễu, cơ quan sinh dục như viêm da, ung thư biểu mô, và ung thư cổ tử cung..... MC không độc, đây là một ứng cử viên đầy hứa hẹn để điều trị các bệnh liên quan đến ung thư, viêm. Do vậy đề tài đã lựa chọn nghiên cứu qui trình thu nhận dẫn xuất caffeate từ loài Ngọc cẩu và thử tác dụng và cơ chế tác dụng của chúng trên một số dòng tế bào ung thư, tập trung sâu hơn trên dòng tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-AML3).

Cây Ngọc cẩu (Balanophora laxiflora) thu tại Tuyên Quang

Chất methyl caffeate (MC) có hoạt tính gây độc tế bào tốt trên các dòng tế bào ung thư thử nghiệm (A549, T24, Huh-7, 8505, SNU-1, OCI-ALM3) và có khả năng ức chế miễn dịch thông qua ức chế biểu hiện IL-2 trên dòng tế bào đại thực bào macrophage (RAW264.7). Chất MC là một trong những chất có hàm lượng khá cao trong loài Ngọc cẩu (0.036%) và một số loài khác. Hơn nữa chất này dễ dàng thu được qua con đường bán tổng hợp với hiệu suất khá cao từ acid caffeic (AC). Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dược phẩm có chứa acid caffeic và dẫn xuất caffeate. Từ cơ sở trên, đề tài đã chọn chất MC để tạo chế phẩm. Để có đủ lượng tạo chế phẩm, quy trình được đề tài lựa chọn thông số phù hợp và chiết chọn lọc thay vì chạy cột, hiệu suất trung bình đạt 0,036% (so với nguyên liệu khô).

Kết quả đề tài cho thấy chất chính trong chế phẩm là methyl caffeate có hoạt tính tốt, cụ thể kích hoạt opoptosis đối với dòng tế bào ung thư tủy xương cấp (OCI-ALM3). Theo tài liệu công bố gần đây các hợp chất caffeyl hydrazide có ảnh hưởng tốt đối với các yếu tố tiền viêm, có liên quan đến hệ miễn dịch. Theo y học hiện đại quá trính gây viêm và ung thư có liên quan mật thiết với nhau. Hơn nữa gần đây Şevki Adem và cộng sự 2020-2021, cho rằng các dẫn xuất của acid caffeic (CADs) có hiệu quả làm giảm tải lượng virus SARS-CoV-2, ức chế và rút ngắn thời kỳ lây nhiễm. Tác dụng điều hòa miễn dịch và đối kháng cytokine của các dẫn xuất caffeate đang được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây và được đánh giá là rất có tiềm năng cho nghiên cứu phát triển ứng dụng trong dược phẩm. Vì vậy, đề tài nghiên cứu thêm hoạt tính điều hòa miễn dịch và ức chế sản sinh NO của các chất caffeate mới tổng  hợp được từ AC là sản phẩm của đề tài.

Kết quả thử nghiệm cho thấy các dẫn xuất caffeyl hydraride mới có hoạt tính ức chế sản sinh nitric oxide (NO) tốt. Đáng chú ý chất fluorobenzoic hydraride có hoạt tính ức mạnh nhất với giá trị IC5011,90±0,73 µM, mạnh hơn hai lần so với đối chứng dương (L-NMMA). Các kết quả thử nghiệm hoạt tính này là cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được qui trình chiết, tách tinh chế hợp chất methyl caffeate (MC) từ cây Ngọc cẩu (qui mô 2g MC/mẻ, hiệu suất trung bình 0.036 %). Đồng thời, chế phẩm Caffeate-MC tạo được an toàn, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP, theo thông tư của bộ Y tế qui định nguyên liệu bào chế thực phẩm bảo vệ sức khỏe). Các kết quả thử nghiệm hoạt tính này là cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.

Chế phẩm Caffeate-MC

Những đóng góp mới của đề tài là lần đầu chất MC được công bố hoạt tính ức chế tăng sinh đáng kể tế bào OCI-AML3, và kích hoạt tế bào chết theo chương trình apoptosis. Nhóm đã tổng hợp được 8 dẫn xuất caffeyl hydrazide mới. Các chất này có hoạt tính kháng viêm rất tốt là cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu phát triển tiếp theo.

Các hợp chất caffeate tổng hợp được là những chất có khả năng ức chế sản sinh nitric oxide (NO) tốt, do vậy chủ nhiệm và nhóm mong muốn được tiếp tục nghiên cứu chúng theo hướng hoạt tính kháng viêm nhằm ứng dụng trong dược phẩm.

https://vast.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 36
Hôm nay: 707
Tổng lượt truy cập: 3.277.789
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.