Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 06-12-2021

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong những công nghệ mũi nhọn đang được thế giới quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, môi trường… đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội (KT - XH) to lớn. Đối với nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống… 

Những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống. Công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã tập trung đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên chuyên sâu về CNSH các lĩnh vực gồm công nghệ nuôi cấy mô, vi sinh vật, sản xuất các loại nấm, công nghệ lên men sinh khối, công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản, công nghệ chiết xuất chế biến và công nghệ PCR, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, công nghệ chẩn đoán nhanh các loại bệnh hại cây trồng, vật nuôi; công nghệ nhân giống cây và trình diễn các hệ thống canh tác ứng dụng công nghệ cao về sản xuất rau, hoa kiểng, dược liệu, công nghệ sau thu hoạch... Nhiều sở, ngành, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống... Nhờ vậy, đã nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực CNSH cho đội ngũ cán bộ làm công tác triển khai và ứng dụng công nghệ này. 

Cùng với công tác đào tạo, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển và ứng dụng CNSH từng bước được đầu tư. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đầu tư một số trang thiết bị phục vụ cho nuôi cấy mô tế bào; nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vi sinh tại Trung tâm Phát triển công nghệ sinh học. Đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ cao như nhà kính, trang thiết bị các hệ thống: Tưới tự động, nhỏ giọt; cảm biến tự động; làm mát, giữ nhiệt; hệ thống camera theo dõi; hệ thống điều hành, vận hành từ xa qua internet... tại Trạm Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa. 

Hiện CNSH đã được ứng dụng vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; phối trộn các công thức lên men làm thức ăn gia súc, thức ăn cho tôm, cá; xử lý chuồng trại, ao nuôi; lên men sinh khối để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, xử lý môi trường; sản xuất giống cây trồng... mang lại hiệu quả cao. Việc triển khai, ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến quá trình phát triển KT - XH, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá. Từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng canh tác hiện đại, áp dụng KHCN vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đánh giá về hiệu quả ứng dụng CNSH, Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Lân cho biết: “Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong các ngành, lĩnh vực với những hiệu quả thiết thực mang tính đột phá đã giúp CNSH dần đi vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy sản xuất và cải thiện điều kiện sống, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng CNSH chưa có bước đột phá mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống”. 

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 06/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu của tỉnh là triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNSH để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; phát triển CNSH phục vụ cho sản xuất hữu cơ đạt trình độ công nghệ khá trong khu vực; xây dựng nền CNSH phát triển, nhất là công nghệ nuôi cấy mô tế bào, phát triển sản xuất hàng hóa một số sản phẩm chủ lực như gạo hữu cơ, cây dược liệu, cây công nghiệp... đóng góp vào tăng trưởng kinh tế các địa phương; tiếp tục đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH, xây dựng các tổ chức KHCN đủ năng lực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao và tăng cường hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước trên lĩnh vực CNSH; phấn đấu đến năm 2025, CNSH đóng góp quan trọng vào việc tăng tốc độ tăng trưởng; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Để thực hiện được mục tiêu này, trong điều kiện của tỉnh hiện nay cần có nhiều giải pháp, cách làm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn mũi đột phá phù hợp với từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể, có tính toán đến quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Thời gian tới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, việc triển khai ứng dụng sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 153
Hôm nay: 7568
Tổng lượt truy cập: 3.273.826
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.