Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 16-05-2024

Công nghệ laser tạo đột phá trong việc phát hiện ngà voi trái phép

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bristol và Đại học Lancaster ở Anh đã đưa ra một phương pháp mới sử dụng tia laser để phân biệt nhanh chóng giữa ngà voi bất hợp pháp và ngà hợp pháp của voi ma mút. Công nghệ này có thể được hải quan trên toàn thế giới sử dụng để hỗ trợ việc cưỡng chế buôn bán ngà voi bất hợp pháp dưới chiêu bài ngà voi hợp pháp.

 

Dù Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã đưa ra lệnh cấm thương mại ngà voi, nhưng vẫn không ngăn cản được nạn săn trộm voi để thực hiện hành vi buôn bán trái phép ngà voi, khiến quần thể voi trên thế giới bị suy giảm 8% mỗi năm. Cuộc khảo sát Cơ sở dữ liệu Voi châu Phi năm 2016 cho thấy ở châu Phi chỉ còn tổng cộng 410.000 con, giảm khoảng 90.000 con so với báo cáo năm 2013 trước đó.

Mặc dù việc buôn bán/thu mua ngà voi là bất hợp pháp nhưng việc thương mại ngà voi từ các loài đã tuyệt chủng như voi ma mút được bảo tồn không phải là bất hợp pháp. Nguồn ngà voi hợp pháp này hiện là một phần của ngành công nghiệp "thợ săn voi ma mút" đang sinh lợi và ngày càng phát triển. Thực trạng này đang làm mất thời gian của nhân viên hải quan do hai loại ngà voi khác nhau này nhìn rất giống nhau nên hải quan khó phân biệt, đặc biệt là khi các mẫu vật đã được gia công hoặc chạm khắc.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm cách xác định liệu quang phổ Raman, vốn đã được sử dụng trong nghiên cứu về thành phần hóa học của xương và khoáng chất, có thể được thay đổi để phát hiện chính xác sự khác biệt về hóa học giữa ngà voi thường và ngà voi ma mút hay không. Công nghệ không phá hủy này liên quan đến việc chiếu ánh sáng năng lượng cao vào mẫu ngà voi để xác định những điểm khác biệt sinh hóa nhỏ trong ngà của voi thường và voi ma mút.

Các nhà nghiên cứu đã quét các mẫu ngà voi ma mút và ngà voi thường tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn bằng phương pháp dựa vào tia laser, quang phổ Raman. Kết quả từ thí nghiệm cho thấy công nghệ này cung cấp khả năng nhận dạng loài chính xác, nhanh chóng và không phá hủy.

TS. Rebecca Shepherd tại Đại học Bristol giải thích: “Phương pháp nhận dạng tiêu chuẩn vàng được Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khuyến nghị để đánh giá tính hợp pháp của ngà voi rất tốn kém, có thể phá hủy và mất thời gian. Trong khi đó quang phổ Raman có thể cho kết quả nhanh chóng (một lần quét chỉ mất vài phút) và dễ sử dụng hơn các phương pháp hiện có, giúp dễ dàng xác định giữa ngà voi bất hợp pháp và ngà hợp pháp của voi ma mút. Việc tăng cường giám sát các mẫu đi qua hải quan trên toàn thế giới sử dụng quang phổ Raman sẽ ngăn chặn những kẻ săn trộm loài voi có nguy cơ tuyệt chủng và cực kỳ nguy cấp".

Việc sử dụng quang phổ Raman đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 79
Hôm nay: 5563
Tổng lượt truy cập: 3.271.817
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.